Đề Thi HK 2 Ngữ Văn 10-Đề 5

0
451

Đề Thi HK 2 Ngữ Văn 10-Đề 5

I- Trắc nghiệm (3 điểm): Chọn đáp án đúng rồi ghi ra giấy làm bài thi.

1-Chọn từ viết đúng trong các trường hợp sau:

A-treo chuốt.      B-chau chuốt.       C- trau chuốc.        D- trau chuốt.

2-Ngô Tử Văn được giới thiệu là một người “khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”. Trong truyện, tính cách này không được thể hiện qua chi tiết nào dưới đây?

A-Sự tức giận trước việc  tác quái của tên hung thần và hành động đốt đền trừ hại cho dân.

B-Thái độ khiếp sợ trước những lời đe dọa của bọn quỷ Dạ Xoa nanh ác.

C-Thái độ bất khuất cứng cỏi trước Diêm Vương đầy quyền lực.

D-Sự gan dạ trước quang cảnh đáng sợ nơi cõi âm.

3-Trong các câu văn dưới đây, câu văn sai là câu nào?

A-Có được ngôi nhà đã làm cho bà sống hạnh phúc hơn.

B-Ngôi nhà đã làm cho bà sống hạnh phúc hơn.

C-Có được ngôi nhà, bà đã sống hạnh phúc hơn.

D-Ngôi nhà đã mang lại niềm hạnh phúc cho cuộc sống của bà.

4-Phần Ghi nhớ bài Nguyễn Trãi (Ngữ văn 10, tập hai) có viết: “Nguyễn Trãi là bậc anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có nhưng lại là người phải chịu những oan khiên thảm khốc dưới thời phong kiến. Ông là nhà thơ, nhà văn kiệt xuất, là danh nhân văn hóa thế giới, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn hóa, văn học dân tộc.

– Hãy cho biết tại sao phần Ghi nhớ trên được xem là đoạn văn tóm tắt một văn bản thuyết minh?

A-Vì người viết kể lại một cách chi tiết về Nguyễn Trãi.

B-Vì người viết dùng lời văn của mình ghi nhớ những nội dung cơ bản của bài văn về Nguyễn Trãi.

C-Vì người viết làm dàn ý cho câu chuyện về Nguyễn Trãi.

D- Vì người viết từ câu chuyện đã đọc sáng tạo nên câu chuyện mới về Nguyễn Trãi.

5- Chọn từ đúng cho chỗ trống sau:

Đèn có biết …. bằng chẳng biết,

   Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.”

A- giường       B- tường     C- dường   D- thường

6- “Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.

Nhị vàng bông trắng lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Tác giả đã xây dựng hình tượng gì trong bài ca dao trên?

A- nhị sen       B- lá sen    C- đài sen    D- hoa sen

7- Nối từ Hán Việt ở cột A với lời giải nghĩa phù hợp ở cột B

A B
1- Keo loan A-Cách gọi ước lệ, chỉ người phụ nữ mảnh mai, yếu đuối.
2- Bồ liễu B-Thứ keo nấu bằng huyết chim loan dùng để gắn kết các vật.
3-Tâm phúc tương tri C-Chiếm giữ từng vùng, tranh nhau quyền lợi
4-Cát cứ phân tranh D-Hai người đã hiểu biết lòng dạ  nhau, tức là đã hiểu nhau sâu sắc.

8-Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn viết theo thể song thất lục bát.

A-Đúng                  B- Sai

9-“Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?

 Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào…

Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, hai bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.

Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.

Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.”    (Nguyễn Đình Thi)

Đoạn trích trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?

A-Phong cách ngôn ngữ chính luận             B-Phong cách ngôn ngữ khoa học

C-Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật             D-Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

II-Làm văn (7 điểm)

Phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du). Từ đó em hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về sự nghiệp và tình yêu của tuổi trẻ hiện nay.

ĐÁP ÁN 

II-Tự luận (7 điểm)

A-Phần phân tích bài thơ (5 điểm)

Biết cách làm một bài văn nghị luận văn học kết hợp nghị luận xã hội có bố cục rõ ràng,  mạch lạc, chặt chẽ, cảm xúc, có sức thuyết phục, vận dụng tốt các thao tác lập luận. Bài viết không mắc lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp và cách diễn đạt thông thường.

Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều và đoạn trích Chí khí anh hùng học sinh có thể có những cách trình bày khác nhau nhưng cần làm nổi bật những ý cơ bản sau:

a- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0,5đ)

b-Phân tích làm nổi bật những vấn đề cơ bản sau:

-Nội dung: (3đ)

+Khát vọng lên đường (bốn câu đầu):  Khát khao được vẫy vùng, tung hoành bốn phương là một sức mạnh tự nhiên không gì có thể ngăn cản nổi  người anh hùng Từ Hải

+Lí tưởng anh hùng của Từ Hải: (còn lại)

.Không quyến luyến, bịn rịn, không vì tình yêu mà quên lí tưởng cao cả.

.Trách Kiều là người tri kỉ mà không hiểu mình, khuyên Kiều vượt lên trên tình cảm thông thường để sánh với anh hùng.

.Hứa hẹn với Kiều về một tương lai thành công.

.Khằng định quyết tâm, tự tin vào thành công

+Đoạn thơ thể hiện lí tưởng anh hùng của Từ Hải và ước mơ công lí của Nguyễn Du.

 -Nghệ thuật: (1đ)

-Khuynh hướng lí tưởng hóa người hùng bằng bút pháp ước lệ và cảm hứng vũ trụ.

-Hai phương diện ước lệ và cảm hứng vũ trụ gắn bó chặt chẽ với nhau.

c-Đánh giá chung về bài thơ (0,5 đ).

B-Phần liên hệ(2 điểm): Suy nghĩ của bản thn về  sự nghiệp và tình yêu của tuổi trẻ hiện nay

– Sau khi phân tích bài thơ, học sinh chuyển ý việc trình bày suy nghĩ của mình về  sự nghiệp và tình yêu của tuổi trẻ hiện nay.  Phần này học sinh có thể nói những suy nghĩ khác nhau nhưng đó phải l những suy nghĩ tích cực, thiết thực phù hợp với thực tế, với pháp luật và đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay.

A-Nội dung:

1- Khát vọng lên đường (bốn câu đầu)

“Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

+Từ Hải sống với Thúy Kiều được nửa năm – ngắn ngủi, giữa lúc tình yêu đang nồng nàn, tha thiết → Dễ khiến con người nản lòng, nhụt chí

+ Nhưng Từ Hải không yên:

“thoắt”: thay đổi nhanh chóng, mau lẹ, dứt khoát, kiên quyết.

“động lòng bốn phương”: rung động việc bốn phương (thiên hạ, đất trời) → Chí của người làm trai, chí nguyện lập công danh sự nghiệp.

– “Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong

+ Tư thế Từ Hải trước lúc lên đường:  cưỡi ngựa, tay cầm thanh gươm, mắt nhìn ra xa, sẵn sàng đi liền một mạch.

+ Đặt trong không gian rộng lớn “trời bể mênh mang” → Hình ảnh thật đẹp, hào hùng, lớn lao, kì vĩ, mang tầm vóc vũ tru, mang vẻ đẹp tượng trưng ước lệ của văn học trung đại.

=> Khát khao được vẫy vùng, tung hoành bốn phương là một sức mạnh tự nhiên không gì có thể ngăn cản nổi.

2-Lí tưởng anh hùng của Từ Hải: (còn lại)

a-Lời Thúy Kiều: “Nàng rằng… xin đi”: dựa vào đạo phu thê, Kiều muốn chia sẻ khó khăn cùng Từ Hải → Thủy chung, trách nhiệm.

b-Lời Từ Hải:

–  “Từ rằng…thường tình”

Trách Kiều là người tri kỉ mà không hiểu mình, khuyên Kiều vượt lên tình cảm thông thường để sánh với vợ người anh hùng => câu hỏi vừa như lời trách yêu + động viên an ủi + đề cao và đặt niềm tin vào Kiều → Lời này dứt khốt,  chân tình

-Hứa với Kiều về một tương lai thành công

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

     Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”

+ Những hình ảnh, âm thanh: nghệ thuật cường điệu

+ Hóan dụ: “mặt phi thường” – phẩm chất xuất chúng, khác thường.

Khi nào có trong tay đội quân tinh nhuệ, công danh rạng rỡ, xuất chúng sẽ “rước nàng nghi gia”  → gợi khát vọng lớn lao, tầm vóc vũ trụ của người anh hùng xưa.

+Lời hẹn ngắn gọn, dứt khoát, chắc nịch đầy quyết tâm, tự tin vào thành công: “Chầy chăng là một năm sau vội gì

=>Từ Hải không quyến luyến, bịn rịn,  không vì tình yêu mà quên lí tưởng cao cả. Thái độ, hành động mạnh mẽ, quyết đoán, đầy ý chí quyết tâm và niềm tin sắt đá.

c-Hình ảnh Từ Hải lúc ra đi: 

Quyết lời dứt áo ra đi

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi

+ “Quyết lời dứt áo”: Nói xong đi ngay → hành động dứt khoát, mạnh mẽ

+ Hình ảnh so sánh rất đẹp và giàu ý nghĩa: Từ  Hải như cánh chim bằng cưỡi gió bay lên → vừa thể hiện tầm vóc kì vĩ, vừa thể hiện khát vọng lớn lao, bản lĩnh phi thường và niềm vui thỏa chí tang bồng của người anh hùng.

=> Nguyễn Du đã lí tưởng hóa nhân vật, trân trọng, kính phục Từ Hải → gửi gắm khát vọng của mình.

 

 

Bài trướcĐề Thi Học Kỳ 2 Ngữ Văn 10-Đề 4
Bài tiếp theoĐề Thi HK 2 Ngữ Văn 10-Đề 6

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây