Đề Thi Học Kì 1 Vật Lý 8 Phòng GD&ĐT Huyện Bình Chánh Có Đáp Án Và Lời Giải Chi Tiết

0
160

Đề thi học kì 1 Vật Lý 8 Phòng GD&ĐT Huyện Bình Chánh có đáp án và lời giải chi tiết. Các bạn xem ở dưới.

UBND HUYỆN BÌNH CHÁNH

PHÒNG GD & ĐT

ĐỀ THI HỌC KÌ I

MÔN: Vật Lí – Lớp 8

Thời gian làm bài: 45 phút; không kể thời gian phát đề

Câu 1: Tại SEA Game 27 tổ chức tại Myanmar năm 2013, vận động viên Vũ Thị Hương (Nữ hoàng tốc độ của Việt Nam) đã giành huy chương vàng ở cự ly 200m và trong 23,55s. Hãy tính tốc độ trung bình mà vận động viên Vũ Thị Hương đã đạt được trong cuộc thi nói trên.

Câu 2: Khoảng 11h 30 ngày 9/6/2018 một xe container chở hàng trăm thanh sắt lưu thông trên Quốc lộ 1, tài xế xe container bất ngờ thắng gấp làm những thanh sắt lao tới đè nát cabin xe. Sau cú thắng gấp, tài xế xe container bị gãy chân và mắc kẹt trong cabin.

(Nguồn: baomoi.com)

a) Dựa vào khái niệm quán tính hãy giải thích vì sao tai nạn lại xảy ra.

b) Qua  sự việc trên, chúng ta cần làm gì khi tham gia giao thông?

Câu 3: Khi tham gia giao thông, những người lái xe ô tô kinh nghiệm thường rất thận trọng khi lái xe trong lúc trời mưa, họ thường cho xe chạy chậm và phanh xe (thắng xe) từ từ khi nhìn thấy vật cản phía trước.

Hãy vận dụng kiến thức về lực ma sát để giải thích về những kĩ năng lái xe nêu trên.

Câu 4: Hình bên là thao tác khi mài dao.

a) Lực ma sát xuất hiện giữa lưỡi dao và viên đá mài là ma sát gì?

b) Trong trường hợp này lực ma sát có lợi hay có hại?

Câu 5:

Một thợ lặn, lặn xuống độ sâu 36m so với mặt nước biển. Cho biết trọng lượng riêng của nước biển là 10300 N/m3.

a) Tính áp suất của nước biển tác dụng lên người thợ lặn

b) Biết áp suất lớn nhất mà người thợ lặn còn có thể chịu được là 473800 N/m2. Người thợ lặn chỉ nên lặn xuống ở độ sâu nào có thể an toàn.

LỜI GIẢI CHI TIẾT

Câu 1: Đáp án

Phương pháp giải:

Vận tốc trung bình: ${v_{tb}} = \frac{S}{t}$

Giải chi tiết:

Áp dụng công thức tính vận tốc trung bình ta có:

${v_{tb}} = \frac{S}{t} = \frac{{200}}{{23,55}} = 8,49(m/s)$

Câu 2: Đáp án

Phương pháp giải:

Quán tính là tính chất bảo toàn trạng thái chuyển động của vật. Khi chịu tác dụng của lực, mọi vật đều không thể  thay đổi vận tốc đột ngột được, vì mọi vật đều có quán tính.

Giải chi tiết:

a) Quán tính là tính chất bảo toàn trạng thái chuyển động của vật. Khi chịu tác dụng của lực, mọi vật đều không thể  thay đổi vận tốc đột ngột được, vì mọi vật đều có quán tính.

Vì vậy, khi xe đang đi nhanh mà phanh gấp, những thanh sắt trên cabin không được giữ chặt, vẫn tiếp tục chuyển động theo hưỡng cũ về phía trước, vì vậy đã làm đè nát cabin.

b) Khi tham gia giao thông, chúng ta cần chú ý quan sát các xe chuyển động đến từ các phía, khi đến lỗi rẽ cần đi chậm, quan sát cẩn thận để không bị gặp chướng ngại bất ngờ phải phanh gấp. Không lái xe quá tốc độ cho phép, trên đường đông không được đi với vận tốc lớn. Khi cần dừng xe thì phải phanh xe từ từ để xe dừng lại chậm vì khi dừng lại đột ngột, người trên xe sẽ theo quán tính ngã về phía trước. Các xe chở hàng cồng kềnh cần neo cột đồ cẩn thận.

Câu 3: Đáp án

Phương pháp giải:

Lực ma sát có tác dụng cản trở chuyển động. Lực ma sát phụ thuộc vào đặc điểm bề mặt tiếp xúc giữa hai vật. Khi bề mặt nhẵn, bóng, trơn thì ma sát nhỏ. Khi bè mặt khô, nhám thì ma sát lớn.

Giải chi tiết:

Vào những lúc mưa to thì bề mặt đường thường trơn, nhẵn, nên ma sát giảm. Xe ô tô đi trên đường nên đi chậm và phanh xe từ từ. Nếu phanh xe đột ngột thì vì ma sát nhỏ nên bánh xe sẽ bị kéo rê trên đường trơn trượt, mặt khác do quán tính nên nếu đi nhanh và phanh gấp thì xe sẽ tiếp tục lao về phía trước, rất nguy hiểm.

Câu 4: Đáp án

Phương pháp giải:

Có 3 loại lực ma sát: ma sát nghỉ, ma sát trượt, ma sát lăn.

Ma sát trượt xuất hiện khi 1 vật trượt trên bề mặt vật khác.

Ma sát lăn xuất hiện khi 1 vật lăn trên bề mặt vật khác.

Ma sát nghỉ xuất hiện khi 1 vật có xu hướng chuyển động trên bề mặt của vật khác.

Ma sát vừa có lợi, vừa có hại.

Giải chi tiết:

Khi mài dao, lưỡi dao trượt trên bề mặt đá mài, nên lực ma sát trượt xuất hiện giữa lưỡi dao và bề mặt đá mài. Đây là ma sát có lợi, lực ma sát này làm mòn lưỡi dao, nên khiến lưỡi dao sắc hơn.

Câu 5: Đáp án

Phương pháp giải:

Áp dụng công thức tính áp suất chất lỏng: p = d.h;

Trong đó: d là trọng lương riêng của chất lỏng, h là độ sâu tính từ mặt thoáng.

Giải chi tiết:

Tóm tắt:

H = 36m; d = 10300 N/m3.

a) Tính p = ?

b) Biết pmax = 473800 N/m2. Tìm h’ = ?

Bài làm:

a) Áp suất của chất lỏng tác dụng lên người thợ lặn:

p = d.h = 10300.36 = 370800 N/m2

b) Áp suất lớn nhất mà người thợ lặn còn có thể chịu được là 473800 N/m2.

Độ sâu để có thể an toàn với người thợ lặn là:

$h’ = \frac{{{P_{\max }}}}{d} = \frac{{473800}}{{10300}} = 46(m)$

Bài trướcĐề Thi Học Kì 1 Vật Lý 8 Trường THCS Lê Quý Đôn Có Đáp Án Và Lời Giải Chi Tiết
Bài tiếp theoĐề Thi Học Kì 1 Vật Lý 8 Trường THCS Huyện Duyên Hải- Trà Vinh Có Đáp Án Và Lời Giải Chi Tiết

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây