Soạn Văn Bài 3: Chiến Thắng Mtao Mxây

0
556

Soạn văn 10 bài 3: chiến thắng Mtao Mxây (trích đăm săn – sử thi tây nguyên). Các bạn xem để bổ sung kiến thức và cũng cố kiến thức một cách có hiệu quả.

BÀI 3 . CHIẾN THẮNG MTAO MXÂY (TRÍCH ĐĂM SĂN - SỬ THI TÂY NGUYÊN)​​ 

A. TIỂU DẪN​​ 

1. Vài nét về sử thi

Sử thi là một thể loại đặc sắc của văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói riêng, của văn học dân gian Việt Nam nói chung, gồm hai tiểu loại: Sử thi thần thoại và sử thi anh hùng.

- Sử thi thần thoại tập hợp những thần thoại cổ đại lẻ tẻ thành một chỉnh thể mà nhân vật trung tâm là các anh hùng văn hóa (người có công xây dựng và phát triển cộng đồng tộc người), được coi như bộ “bách khoa toàn thư” của một thời kì lịch sử dài hình thành tộc người và đất nước, với dung lượng đồ sộ gồm hàng ngàn câu thơ. Những sử thi thần thoại tiêu biểu là vẻ đất để nước của người Mường, Ấm ệt luông của người Thái, Cây nêu thần của người Mơ-nông,...

- Sử thi anh hùng có nhân vật trung tâm là người anh hùng giỏi chiến đấu bảo vệ thị tộc, mở mang phạm vi cư trú của tộc người, đồng thời cũng giỏi lao động, chinh phục thiên nhiên, tổ chức đời sống cộng đồng. Cho đến nay, mới chỉ phát hiện được sử thi anh hùng ở khu vực Tây Nguyên với cách gọi tên khác nhau đối với từng tộc người: khan (Ê-đê), hơ-ri (Gia-rai) hơ-mon (Ba-na), ót-nơ-rông (Mơ-nông),... Đó là những tác phẩm tự sự có dung lượng lớn phản ánh xã hội Tây Nguyên đang ở giai đoạn tiền giai cấp, tiền quốc gia. Sử thi anh hùng mang vẻ đẹp kì vĩ, toàn vẹn, vẻ đẹp “không thể bắt chước” (chữ dùng của Các Mác) chính là do nó đã tạo ra kiểu “nhân vật anh hùng sử thi” với vẻ đẹp riêng của một thời kì lịch sử. Sử thi anh hùng cớ Đăm Di, Xing Nhã, Khinh Dú (Ê-đê), Đăm Noi (Ba-na),... nhưng tác phẩm được biết đến rộng rãi hơn cả là sử thi Đăm Săn của người Ê-đê.

2. Tóm tắt nội dung của sử thi Đăm Săn​​ 

​​ Cần nhớ 5 sự kiện chính sau đây:

- Về làm chồng hai chị em tù trưởng Hơ Nhị và Hơ Bhị, Đăm Săn trở nên một tù trưởng giàu có và uy danh lừng lẫy.

- Các tù trưởng Kên Kên (Mtao Grứ), tù trưởng Sắt (Mtao Mxây) tới cướp phá buồn của chàng, bắt Hơ Nhị về làm vợ đã bị Đăm Săn đánh trả và đều chiến thắng, cứu được vợ, tịch thu của cải, đất đai của kẻ địch khiến bại danh của chàng càng lừng lẫy, bộ tộc càng giàu có.

- Đăm Săn chặt cây sơ-múc (cây thần vật tổ bên nhà vợ), cả hai vợ đều chết, chàng phải tìm lối lên trời xin thuốc thần cứu sống lại.

- Đăm Săn lên trời hỏi con gái thần Mặt Trời về làm vợ bị từ chối, trên đường về bị chết ngập cả người lẫn ngựa nơi rừng sáp đen nhão như bùn nước.

- Hồn Đăm Săn biến thành con ruồi bay vào miệng chị gái là Hơi Ấng khiến nàng có mang và sinh ra đứa con trai: đó là Đăm Săn - cháu, lớn lên sẽ đi tiếp con đường mà người cậu anh hùng còn để lại.​​ 

B. ĐOẠN TRÍCH “CHIẾN THẮNG MTAO MXÂY”​​ 

I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

Đoạn trích thuộc phần giữa của tác phẩm, kể chuyện Đăm Săn đánh thắng Mtao Mxây cứu vợ về.

Văn bản gồm lời của các nhân vật (Đăm Săn, Mtao Mxây, các tù trưởng, tôi tớ, ông Trời) và lời của người kể chuyện (phần in chữ nhỏ). Khi đọc cần chú ý thể hiện đúng sắc thái tình cảm, giọng đọc của các nhân vật đồng thời đọc một cách rõ ràng, diễn cảm lời của người kể chuyện, đặc biệt là ở phần cuối khi kể lại cảnh ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn.

Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu văn bản đoạn trích theo bốn câu hỏi trong sách giáo khoa.

1. Tóm tắt diễn biến trận đánh​​ 

a) Đăm Săn khiêu chiến và thái độ ngạo nghễ của Mtao Mxây.​​ 

b) Hiệp đấu thứ nhất:​​ 

- Hai bên lần lượt múa khiên:

+ Mtao Mxây múa trước: tỏ ra kém cỏi (khiên kêu lạch xạch - như quả mướp khô). + Đăm Săn múa khiên: tỏ ra tài giỏi hơn hẳn (múa trên cao,

gió như bão; múa dưới thấp, gió như lốc). - Kết quả hiệp đấu: Đăm Săn đâm giáo trúng đùi, trúng người Mtao Mxây nhưng không thủng.

c) Hiệp đấu thứ hai:

Được ông Trời mách bảo, Đăm Săn chộp ngay một cái chày mòn, ném trúng vành tai kẻ địch. Cái giáp của Mtao Mxây tức thì rơi loảng xoảng. Mtao Mxây tháo chạy quanh chuồng lợn. Đăm Săn phá tan chuồng lợn. Hắn tránh quanh chuồng trâu, Đăm Săn phá​​ tan chuồng trâu. Mtao Mxây ngã lăn quay ra đất, xin được làm lễ cầu phúc một trâu, một vời để Đăm Săn tha chết. Nhưng Đăm Săn không nghe, chàng đâm nhập một cái, cắt đầu Mtao Mxây đem bên ngoài đường. Trận đánh diễn ra nhanh chóng và kết thúc bằng thắng lợi của người anh hùng Đăm Săn.

2. Thái độ của đông đảo nô lệ ở cả hai phía cuộc chiến đối với việc thắng thua của hai tù trưởng

Ý nghĩa xã hội của loại chiến tranh này là ở chỗ nó không hề kìm hãm sự phát triển của xã hội Ê-đê, mà ngược lại, thúc đẩy sự phát triển ấy: giúp những tập thể lẻ tẻ, rời rạc tập hợp dần thành những tập thể lớn hơn, mạnh hơn, và bằng con đường đó, tộc người Ê-đê sẽ hình thành với tư cách là một tổ chức dân tộc hẳn hoi. Với ý nghĩa đó thì “chiến tranh là bà đỡ của lịch sử” như Ăng-ghen đã nhận định.

Điều này đã được thể hiện rõ qua thái độ của tác giả sử thi - cũng tức là của tập thể cộng đồng tộc người Ê-đê đối với cuộc chiến tranh ấy.

a) Thái độ của đông đảo nô lệ thuộc cả hai phía đối với cuộc chiến, đối với việc thắng hay thua của hai tù trưởng cầm đầu cuộc chiến:

- Nô lệ của Đăm Săn: vui mừng, hân hoan khi người tù trưởng hùng mạnh của mình đã chiến thắng kẻ thù, làm cho bộ tộc càng thêm mở rộng, giàu có, đông đúc. Trong lễ mừng chiến thắng, “tôi tớ chật ních cả nhà ngoài”, “các chàng trai đi lại ngực đụng ngực. Các cô gái đi lại vú đụng vú. Cảnh làng một tù trưởng nhà giàu trông sao mà vui thế !” Họ cùng hỏi Đăm Săn trong niềm phấn khởi: “Đánh chiêng nào, thưa ông?

- Nô lệ của Mtao Mxây: Khi chủ của họ đã bị Đăm Săn giết chết thì họ nhất tề, tự nguyện đi theo Đăm Săn, đi theo người tù trưởng hùng mạnh mới của mình. Họ cùng nói lên nguyện vọng của mình: “Không đi sao được ! Tù trưởng chúng tôi đã chết, lúa chúng tôi đã mục, chúng tôi còn ở với ai?” Đoàn người đi về với buôn làng của Đăm Săn “đông như bầy cà tong, đặc như bây thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối...”

- Mọi người đều hoan hỉ, vui mừng trong ngày lễ ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn.

b) Thái độ của những tù trưởng khác cũng là thái độ ủng hộ, đồng tình, cùng đến ăn mừng trong ngày lễ chiến thắng của Đăm Săn. Nhà Đăm Săn đông nghịt khách, các khách tù trưởng đều từ phương xa đến. Từ khắp mọi miền, người ta khiêng rượu, khiêng lợn đến. Chiến thắng của Đăm Săn phải mang ý nghĩa phát triển cộng đồng thì mới được cộng đồng Ê-đê đồng tình, ủng hộ như vậy.

3. Thái độ của tác giả sử thi đối với cuộc chiến được bộc lộ rõ qua kết cấu của đoạn trích

- Kết cấu của đoạn trích gồm hai phần gần như bằng nhau: kể về cuộc chiến giữa hai tù trưởng và miêu tả lễ ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn. Hai phần này tiếp nối và bổ sung ý nghĩa cho nhau: phần lễ ăn mừng chiến thắng không chỉ tôn vinh, đề cao người anh hùng mà còn tô đậm ý nghĩa của chiến thắng: người anh hùng Đăm Săn đã quy tụ mọi người về với mình để tập hợp dần thành những tập thể lớn hơn, mạnh hơn; và mọi người đều tự nguyện đi theo chàng là xuất phát từ quyền lợi của cả cộng đồng như một nghĩa vụ thiêng liêng của họ. Cảnh lễ ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn được miêu tả đồng vui, tưng bừng chính là để tô đậm và khắc sâu cái ý nghĩa thời đại của cuộc chiến tranh bộ tộc trong sự phát triển của cộng đồng.

Tóm lại, thái độ, cách nhìn nhận của tác giả sử thi (lời người kể chuyện) cũng chính là lời của cộng đồng, lời phán xét của chính lịch sử về hành động của hai loại tù trưởng.

4. Phân tích giá trị miêu tả và biểu cảm của các câu văn có dùng lối so sánh, phóng đại khi miêu tả nhân vật, khung cảnh diễn ra sự việc

- Nhiều nhất là những câu sử dụng biện pháp so sánh:

+ So sánh tương đồng, có sử dụng từ so sánh: Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc,...

+ Quan hệ so sánh được tăng cấp bằng hàng loạt ngữ so sánh liên tiếp (đoạn tả tài múa khiên của Đăm Săn).

+ So sánh tương phản (nhiều đoạn tả tương phản giữa Đăm Săn và Mtao Mxây).

+ Dùng nghệ thuật đòn bẩy trong so sánh: bao giờ sử thi cũng miêu tả “tài” của địch thủ trước tạo ra cái đòn bẩy để miêu tả tài của anh hùng nhằm làm nổi bật cái tài xuất chúng của người anh hùng (nêu và phân tích những trường hợp miêu tả đối sánh đó trong đoạn trích).

- Nghệ thuật phóng đại:​​ 

+ Các hình ảnh, sự vật được đem ra làm chuẩn trong so sánh đều lấy từ thế giới thiên nhiên, từ vũ trụ. Dùng vũ trụ để “đo” kích cỡ nhân vật anh hùng là một cách phóng đại để đề cao anh hùng. Nghệ thuật đó rất nổi bật ở sử thi, mang một giá trị thẩm mĩ đặc biệt. Đó chính là phong cách nghệ thuật của sử thi anh hùng Tây Nguyên:

+ Mtao Mxây phải đi ra, trong hắn dữ tợn như một vị thần, giữa một đám đông mịt mù như trong sương sớm.

+ Thế là Đăm Săn lại múa. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung...

+ Đăm Săn uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán. Chân chàng to bằng xà nhà, đùi to bằng ống bễ. Chàng khỏe như con voi đực, hơi thở như sấm vang, nằm xuống sàn nhà thì gẫy cả sàn nhà. Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ.​​ 

II. LUYỆN TẬP (gợi ý hướng giải bài tập)

Thần linh (ông Trời) cũng tham gia vào cuộc chiến đấu của con người để giúp người anh hùng chiến thắng kẻ thù. Sử thi anh hùng của các nước khác cũng có đặc điểm này, nhưng ở sử thi anh hùng Tây Nguyên có những điểm riêng biệt:

- Quan hệ giữa thần linh với con người gần gũi, mật thiết hơn,​​ thậm chí bình đẳng, thân tình hơn. Đó là dấu vết của tư duy thần thoại cổ sơ, của một xã hội chưa có sự phân hóa giai cấp rạch ròi.

- Thần linh chỉ đóng vai trò “gợi ý”, “cố vấn”; quyết định vẫn là hành động của con người. Điều đó góp phần đề cao vai trò của nhân vật anh hùng sử thi.

VĂN BẢN (tiếp theo) LUYỆN TẬP

Đây là bài luyện tập về văn bản gồm 4 bài tập cụ thể ở nhiều dạng khác nhau nhằm củng cố các kiến thức về văn bản đã học trong bài 2. Vì vậy, trước khi thực hiện các bài tập, các em cần đọc lại bài Văn bản (SGK, tr.26), chú ý đến phần Ghi nhớ.

Dưới đây là một số gợi ý để các em có thể tự giải các bài tập.​​ 

Bài tập 1:​​ Yêu cầu khẳng định đoạn văn trong SGK là một văn bản và đặt nhan đề cho văn bản đó.

a) Trả lời các câu hỏi để khẳng định đoạn văn là một văn bản:

- Đoạn văn có một chủ đề thống nhất. Chủ đề đó đã được nêu rõ ở câu 1: Giữa cơ thể và môi trường có ảnh hưởng qua lại với nhau.

- Các câu trong đoạn có quan hệ với nhau để phát triển chủ đề chung: vừa nêu ý để giải thích, vừa nêu dẫn chứng để chứng minh nhằm cụ thể hóa ý khái quát ở câu 1. Có thể thấy cách sắp xếp ý qua từng câu trong đoạn văn như sau:

+ Câu 1: Nêu chủ đề (ý khái quát).

+ Câu 2: Phát triển thành ý: “Môi trường có ảnh hưởng tới mọi đặc tính của cơ thể.”

+ Câu 3: Chuyển tiếp giữa phần nêu ý (giải thích) và phần nêu dẫn chứng (chứng minh).

+ Câu 4: Nêu dẫn chứng 1: cây đậu Hà Lan và cây mây.​​ 

+ Câu 5: Nêu dẫn chứng 2: cây xương rồng và cây lá bỏng.

- Nhờ cách sắp xếp ý như trên, đọc đoạn văn ta thấy ý chung của đoạn đã được triển khai rõ ràng.​​ 

b) Có thể đặt nhan đề cho đoạn văn trên như sau:​​ 

ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG TỚI CƠ THỂ​​ CỦA CÁC LOÀI THỰC VẬT​​ 

Bài tập 2:​​ Yêu cầu sắp xếp lại những câu đã cho thành một văn bản hoàn chỉnh, mạch lạc và đặt cho nó một nhan đề phù hợp.

a) Đọc và xác định ý từng câu, sau đó sắp xếp lại theo đúng mạch lạc để thành một văn bản hoàn chỉnh. Thứ tự các câu được sắp xếp lại như sau:​​ 

- câu 11​​ ​​ câu 3:​​ hoàn cảnh sáng tác bài thơ Việt Bắc

- câu 5​​ ​​ câu 2:​​ nội dung bài thơ Việt Bắc​​ 

- câu 4:​​ giá trị bài thơ Việt Bắc

​​ b) Nhan đề có thể là: Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Bài tập 3:​​ Yêu cầu viết một số câu tiếp theo câu văn đã cho để thành một văn bản nhỏ và đặt nhan đề cho nó.

a) Câu văn cho sẵn chính là câu nếu chủ đề (còn gọi là câu chủ đề): “Môi trường sống của loài người hiện nay đang bị hủy hoại ngày càng nghiêm trọng”. Những câu viết tiếp theo phải phát triển ý khái quát trong câu chủ đề này (có thể nêu ý để giải thích thêm hoặc nêu dẫn chứng để chứng minh cho rõ) để tạo thành một văn bản có nội dung thống nhất, trọn vẹn.

Các em có thể xem văn bản mẫu ở bài tập 1 để tham khảo, học tập cách viết. Ở văn bản này, câu 1 cũng là câu chủ đề, các câu tiếp theo nhằm phát triển ý trong câu chủ đề đó. Cách viết những câu tiếp theo câu chủ đề (cho sẵn) ở bài tập này cũng như vậy.

b) Tùy nội dung các câu viết tiếp theo của em mà đặt một nhan đề phù hợp với văn bản của mình.

Bài tập 4:​​ Yêu cầu viết một lá đơn xin phép nghỉ học sao cho thành một văn bản đáp ứng các yêu cầu đã nêu trong SGK.

Các yêu cầu SGK gợi ý không có gì khó, các em đã học ở trung học cơ sở cách viết đơn. Đây là văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính, cần xem lại bài Đơn từ ở lớp 6 để làm bài này. Bài tập bổ sung: Yêu cầu đặt nhan đề cho bài ca dao:

Rủ nhau xuống biển mò cua Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.

Em ơi chua ngọt đã từng

Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau.​​ 

Gợi ý:

Tuy chỉ có bốn dòng thơ nhưng bài ca dao vẫn là một văn bản hoàn chỉnh, thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Bài ca dao đã tập trung nhất quán vào một chủ đề và triển khai chủ đề đó một cách trọn vẹn. Muốn đặt nhan đề cho bài ca dao cần xét xem chủ đề của nó là gì, từ đó mà nghĩ ra một nhan đề phù hợp.​​ 

Đọc bài ca dao, ta thấy hai câu trên kể lại những công việc làm ăn của con người (ở đây có thể là hai người bạn tình hoặc hai vợ chồng) để đi đến hai câu dưới là lời khuyên về cách sống:

Em ơi chua ngọt đã từng Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau. Rõ ràng bài ca dao đề cập đến tình nghĩa thủy chung của con người trong cuộc sống. Đó là chủ đề của văn bản nghệ thuật này. Từ chủ đề đó, ta có thể đặt nhan đề cho bài ca dao như sau: Tình nghĩa thủy chung của người lao động hoặc lấy câu cuối làm nhan đề: Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau. (Các em tìm thêm nhan đề khác theo suy nghĩ của mình miễn là phù hợp với chủ đề của văn bản).

 

Bài trướcSoạn Văn Bài 2: Khái Quát Văn Học Dân Gian Việt Nam
Bài tiếp theoSoạn Văn Bài 4: Truyện An Dương Vương Và Mị Châu-Trọng Thủy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây