Soạn Văn Bài 5: Uy-Lit-Xơ Trở Về

0
514

Soạn văn bài 5 Uy-lit-xơ trở về trích Ô-đi-xê – sử thi Hi Lạp) của Hô-mê-rơ môn ngữ văn lớp 10. Các bạn xem để ôn tập và cũng cố kiển thức nhé.

BÀI 5. UY-LÍT-XƠ TRỞ VỀ

(Trích Ô-đi-xê - sử thi Hi Lạp) ​​​​ HÔ-ME-RƠ​​ 

I. VÀI NÉT VỀ Ô-ĐI-XÊ, SỬ THI HI LẠP

Theo truyền thuyết, Hô-me-rơ là tác giả của hai thiên sử thi nổi tiếng của đất nước Hi Lạp: I-li-át và Ô-đi-xê.

Ô-đi-xê gồm 12.110 câu thơ, được chia thành 24 khúc ca, kể lại hành trình trở về quê hương của Uy-lít-xơ (tiếng Hy Lạp là Ô-đi-xê-uýt) sau khi hạ thành Tơ-roa. Trải qua nhiều gian truân, vất vả, nhưng được thần Dớt​​ và vua An-ki-no-ốt giúp đỡ, sau 20 năm ròng rã xa cách gồm 10 năm đánh thành Tơ-roa và 10 năm trôi dạt lênh đênh), Uy-lít-xơ đã trở về quê hương. Trong khi đó, tại quê nhà, Pê-nê-lốp, vợ của Uy-lít-xơ phải đối mặt với 108 kẻ quyền quý trong vùng đến cầu hôn; và Tê-lê-mác, con trai của chàng phải đương đầu với bọn chúng để bảo vệ gia đình. Về đến nhà, chàng giả dạng người hành khất nên vợ chàng không nhận ra. Chàng đã chiến thắng trong cuộc thi bắn cung, nhân cơ hội đó, cha con chàng trừng trị bọn cầu hôn cùng những gia nhân phản bội. Cuối cùng, qua phép thử “bí mật về chiếc giường”, vợ chàng đã nhận ra chàng, vợ chồng đoàn tụ và cuộc sống mới bắt đầu trên quê hương yêu dấu của Uy-lít-xơ.

Chủ đề chính của Ô-đi-xê là chinh phục thiên nhiên để khai sáng, mở rộng giao lưu. Ô-đi-xê tái hiện xung đột giữa các nền văn minh, các trình độ văn hóa; là cuộc đấu tranh để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nếu A-sin, người anh hùng trận mạc xuất chúng trong sử thi I-li-át, là biểu tượng sức mạnh thể chất thì Uy-lít-xơ là biểu tượng sức mạnh trí tuệ của người Hi Lạp. Đây là hai mẫu anh hùng văn hóa tiêu biểu của dân tộc Hi Lạp. Họ cũng thuộc về kiểu nhân vật siêu mẫu kết tinh từ các truyền thuyết và huyền thoại cổ xưa.

II. ĐOẠN TRÍCH "UY-LÍT-XƠ TRỞ VỀ"

Đoạn trích Uy-lít-xơ trở về thuộc khúc ca thứ XXIII của sử thi -đi-xê. Uy-lít-xơ dưới bộ áo hành khất tham gia cuộc thi bắn cung và chàng đã thắng. Chàng tiêu diệt những tên cầu hôn đầu sỏ, trừng phạt lũ đầy tớ phản chủ. Nhưng Pê-nê-lốp vẫn không tin đó là chồng nàng. Đoạn trích kể tiếp quá trình Pê-nê-lốp nhận ra Uy-lít-xơ và vợ chồng đoàn viên.​​ 

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

Các em cần đọc đoạn trích vài lần để có cảm nhận chung về “cảnh nhận mặt bằng phép thử bí mật của chiếc giường” cũng như giọng điệu, kết cấu, các biện pháp nghệ thuật đặc trưng của sử thi Hi Lạp; sau đó mới đi vào tìm hiểu sâu và cụ thể trong từng câu hỏi. Đây​​ là sử thi, nhưng ở đoạn trích này, có thể tái hiện thành dạng đối thoại kịch được. Màn kịch này có bốn nhân vật: nhũ mẫu I-ri-clê, người con trai Tê-lê-mác, Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp, vợ chàng (trong đó hai nhân vật chính là Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp). Các em cần tập đọc diễn cảm theo các vai này, cố gắng thể hiện đúng tình cảm, tâm trạng của từng nhân vật - đặc biệt là hai nhân vật chính.

1. Văn bản trên có thể chia làm mấy đoạn ? Mỗi đoạn có nội dụng gì ?

Đoạn trích được chia thành hai phần:

- Phần 1: từ đầu đến “kém gan dạ”: cuộc đối thoại giữa bốn nhân vật (nhũ mẫu Ơ-ri-clê, con trai Tê-lê-mác, Pê-nê-lốp, Uy-lít-xơ), Pê-nêlốp vẫn chưa nhận ra chồng.

- Phần 2: đoạn còn lại: qua phép thử bí mật của chiếc giường, Pênê-lốp đã nhận ra chồng. Họ mừng vui khôn xiết trong nước mắt sung sướng của cảnh đoàn viên.

Như vậy, có thể thấy cuộc đối thoại ở phần 1 chính là để chuẩn bị cho cảnh nhận mặt chồng ở phần 2, từ đó tính cách, phẩm chất của các nhân vật được bộc lộ rõ.

2. Khi trở về gặp lại vợ mình, Uy-lít-xơ có tâm trạng ra sao ? Cách ứng xử của chàng bộc lộ phẩm chất gì ?

Uy-lít-xơ vừa tin vào người vợ chung thủy của mình (Thế nào rồi mẹ con cũng sẽ nhận ra, chắc chắn như vậy) lại vừa trách nàng có “một trái tim sắt đá” đến mức chồng ngồi ngay trước mặt mà vẫn không chịu nhận ra. Đây là tâm trạng điển hình của một người đàn ông xa vợ biền biệt hai mươi năm trời, nay trở về nhà trong một hoàn cảnh oái oăm như thế. Nhưng chàng không chỉ quan tâm tới việc vợ mình có nhận ra mình không mà còn quan tâm tới việc đối phó với gia đình bọn cầu hôn sau khi đã tiêu diệt chúng để đảm bảo hạnh phúc trọn vẹn cho gia đình mình (Xem lời chàng nói với con trai Tê-lê-mác).

3. Vì sao Pê-nê-líp “rất đỗi phân vân” ? Việc chọn cách thử “bí mật của chiếc giường” cho thấy vẻ đẹp gì về trí tuệ và tâm hồn của nàng ?

Khi nghe nhũ mẫu T-ri-clê khẳng định người đó là chồng mình, bước xuống lầu, lòng nàng vẫn rất đỗi phân vân. Vì sao vậy? Nếu người hành khất này là “chồng” thực thì không sao, nếu không phải thì lúc đó danh dự của Pê-nê-lốp sẽ bị tổn thương mà đối với người Hi Lạp thì không thể sống thiếu danh dự được. Vả lại, nếu là “chồng” thực thì tại sao trong lần được gặp đầu tiên, người đó lại không nói ra? Và còn cái bề ngoài hành khất với bộ áo quần rách mướp nữa... Pênê-lốp phân vân là phải, và điều đó rất đúng với tâm trạng của nàng trong hoàn cảnh oái oăm lúc bấy giờ. Tâm trạng này vừa bộc lộ tính​​ cách vừa nói lên phẩm chất của nhân vật mà người đọc sẽ dần dần thấy rõ trong “cảnh nhận mặt bằng phép thử bí mật của chiếc giường” phần sau.

Phẩm chất và tính cách của Pê-nê-lốp được sử thi khắc họa đậm nét và có chiều sâu trong đoạn trích này. Đó là một người phụ nữ trọng danh dự, một người vợ thủy chung yêu chồng tha thiết nhưng luôn luôn thận trọng để bảo vệ danh dự và cương vị của mình. Tác giả sử thi đã dành cho nhân vật từ thận trọng (được lặp lại nhiều lần) chính là để nói lên điều đó (từ “thận trọng” đi kèm với tên của Pê-nêlốp không phải là động từ (thận trọng nói) mà là tính từ chỉ phẩm chất (Pê-nê-lốp thận trọng) nói lên nàng là con người thận trọng).

Chính vì thận trọng, nên nàng bình tĩnh và tự tin, không hề nôn nóng, không hề vội vã. Trong tình huống oái oăm ấy, nàng vẫn bình tĩnh để tìm ra lời giải cho bài toán nhận mặt chồng của mình. Bởi nàng luôn tự tin vào mình, như nàng đã khẳng định với con trai: “Cha và mẹ có những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau, còn người ngoài không ai biết hết”. Cho nên, khi nhũ mẫu Ơ-ri-clê đưa ra “một dấu hiệu không sao cãi được” là cái sẹo trên chân Uy-lít-xơ thì nàng vẫn không tin đó là chồng mình. Ở đây, không chỉ là sự thận trọng vì danh dự của người phụ nữ Hi Lạp mà còn là tình yêu của người vợ chung thủy đối với chồng. Sự thận trọng ấy đã khiến cho Tê-lê-mác phải trách mẹ gay gắt “bao giờ lòng dạ cũng rắn hơn cả đá” và Uy-lítxơ thì cho rằng nàng có “một trái tim sắt đá hơn ai hết”. Nhưng thực ra không phải thế, bởi khi đã nhận ra chồng thì Pê-nê-lốp lại giống như tất cả những người vợ yêu chồng nhất trên thế gian này.

Cách thử bí mật của chiếc giường trong màn nhận mặt, trước hết thể hiện phẩm chất trí tuệ của Pê-nê-lốp bởi đây mới là bằng chứng xác thực nhất, dấu hiệu đáng tin cậy nhất để nhận ra chồng vì bí mật ấy “chỉ hai người biết với nhau, còn người ngoài không ai biết hết” - người nói đúng được bí mật ấy ắt hẳn phải là chồng mình. Cách thử bí mật của chiếc giường qua “những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau” còn cho thấy phẩm chất kiên trinh của nàng. Nó cũng là điều kiện tạo ra quy ước để đảm bảo cho sự bền vững của gia đình, để củng cố tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng cha con. Bí mật chiếc giường được công bố (qua lời thử của Pê-nê-lốp và lời đáp của Uy-lít-xơ) đã giải tỏa nhiều mối nghi ngờ. Trước hết, để Pê-nê-lốp biết đó không phải là Uy-lít-xơ giả mà là người chồng thật của mình. Thứ hai, để Uy-lít-xơ biết được sự thủy chung của vợ. Bởi khi chiếc giường đã bị khiêng đi chỗ khác, hay có ai đó đã biết bí mật của nó thì chắc chắc phẩm giá của Pê-nê-lốp cũng không còn nguyên vẹn. Nó cũng giải tỏa được ấm ức của Uy-lít-xơ khi Pê-nê-lốp vẫn không chịu nhận anh là chồng, cho dù anh đã tắm rửa và đẹp như một vị thần.

Sự thận trọng trong cách thử của Pê-nê-lốp còn cho thấy tính chất phức tạp của thời đại, những nguy hiểm đang rình rập và đe dọa họ. Sau hai mươi năm xa cách, khi trở về quê hương, Uy-lít-xơ phải cải trang thành người hành khất, phải đội lốt người ăn xin mới lọt được vào ngôi nhà của mình, phải đóng vai người bịa chuyện khéo léo để được ở lại trong ngôi nhà ấy..., những chi tiết này đã góp phần tô đậm thêm tính chất phức tạp đó.

4. Nhận xét về cách kể của Hô-me-rơ và những biện pháp nghệ thuật mà sử thi thường dùng. Biện pháp nghệ thuật nào đã được sử dụng ở cuối của đoạn trích ?

Phong cách kể chuyện của sử thi thường là chậm rãi, tỉ mỉ, trang trọng. Ở đoạn trích này, Hô-me-rơ đã thể hiện khá rõ phong cách ấy. Màn gặp mặt giữa Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ trang trọng với nhiều định ngữ, ví von so sánh - đặc biệt là kiểu so sánh có đuôi dài, với cách nói kéo dài thành chuỗi vừa nhấn mạnh vừa tập trung, với cách dùng cụm danh từ - tính từ chỉ phẩm chất rất phổ biến trong sử thi Hi Lạp (trong đoạn trích này, cụm từ Pe-nê-lốp thận trọng được lặp lại nhiều lần), mang vẻ đẹp riêng của phong cách sử thi và tạo nên một sức hấp dẫn, mạnh mẽ, kì lạ. Lời nói của nhân vật thường được trau chuốt (những lời có cánh) vừa có hình ảnh vừa có chiều sâu trí tuệ gây ấn tượng mạnh về từng nhân vật (có thể thấy rõ điều này qua các lời đối thoại của Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp trong màn thử nhận mặt).

Biện pháp nghệ thuật đã được sử dụng ở khổ cuối đoạn trích là biện pháp so sánh có đuôi dài (còn gọi là so sánh mở rộng) khá phổ biến trong sử thi Hô-me-rơ mà bản dịch không lột tả hết được. Ở đây, Hô-me-rơ đã ví cuộc tái ngộ của Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ như những hạnh phúc của con người sau khi thoát nạn ở biển khơi. Có nghĩa là tác giả sử thi đã lấy những hạnh phúc thật lớn lao mang ý nghĩa tiêu biểu của con người ở đây là những người từ cõi chết trở về cõi sống - “những người sống sót mừng rỡ bước lên đất liền mong đợi”) để so sánh với hạnh phúc của Pê-nê-lốp sau hai mươi năm sống cô đơn, nay mới được gặp lại người chồng thân yêu của mình. Vế so sánh được nói trước, dài hơn, nhiều hơn bằng một hình ảnh cụ thể, sinh động như cái đòn bẩy nghệ thuật để tôn cao vế được so sánh chính là hạnh phúc tràn trề của người vợ thủy chung đang “ôm lấy cổ chồng không nỡ buông rời”.

LUYỆN TẬP

1. Các em chuyển đoạn trích thành hoạt cảnh kịch “Cảnh nhận mặt”, tập và tổ chức biểu diễn trong các buổi ngoại khóa hay “Ngày hội văn học” của lớp.

2.​​ ​​ bài tập này, cần chú ý một số điểm sau đây:

- Phải nắm vững nội dung, diễn biến, các nhân vật trong “cảnh nhận mặt”.

- Phải kể lại cảnh đó theo ngôi thứ nhất, xưng “tôi” (“tôi” ở đây chính là Uy-lít-xơ).

- Phải kể lại theo cách tóm tắt, ngắn gọn hơn bằng ngôn ngữ của mình nhưng phải giữ đúng cốt truyện và linh hồn của đoạn trích, giữ được không khí và phong cách của sử thi, không biến thành một câu chuyện hiện đại (Đoạn trích trong SGK dài 4 trang rưỡi, tóm tắt lại khoảng 1 trang rưỡi).

TRẢ BÀI LÀM VĂN SỐ 1​​ 

Đây là tiết trả bài đầu tiên của phần Làm văn ở lớp 10 (bài làm có nội dung ôn lại các kiểu bài làm văn đã học ở bậc trung học cơ sở; đề ra: Cảm nghĩ về tác phẩm (hoặc nhân vật) văn học).

|Các em cần chú ý lắng nghe nhận xét của thầy, cô giáo, đối chiếu với bài làm của mình để rút kinh nghiệm cho bài làm số 2 tiếp theo. Sau khi nhận bài trả, cần chữa một cách nghiêm chỉnh tất cả các loại lỗi trong bài làm: về ý, câu, cách diễn đạt, dùng từ và lỗi chính tả. Có thể mượn xem một số bài làm khá của các bạn để học tập.

 

 

Bài trướcTrắc Nghiệm Nhị Thức Niu-Tơn Có Đáp Án Và Lời Giải Chi Tiết
Bài tiếp theoSoạn Văn Bài 6: Ra-Ma Buộc Tội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây