Soạn Văn Bài 7: Tấm Cám Ngữ Văn 10

0
586

Soạn văn bài 7: Tấm Cám ngữ văn 10 (Truyện cổ tích Việt Nam). Các bạn xem để ôn tập cũng cố thêm kiến thức nhé.

BÀI: TẤM CÁM

(Truyện cổ tích)​​ 

Tiểu dẫn

1. Cổ tích mang tính hư cấu cao, thường kể về số phận con người trong xã hội đã và đang phân hóa thành đẳng cấp. Cổ tích được chia thành ba loại: cổ tích về loài vật, cổ tích thần kì, cổ tích sinh hoạt. Cổ tích thần kì có nội dung phong phú nhất và chiếm số lượng nhiều nhất.​​ 

2. Cổ tích thần kì có hai đặc trưng cơ bản: sự tham gia của các yếu tố thần kì, khá phổ biến (Tiên, Bụt, sự biến hóa thần kì, những vật có phép màu...); kết cấu tương đối thống nhất: nhân vật chính trải qua những cuộc phiêu lưu hoặc hoạn nạn, thử thách, cuối cùng đạt được ý nguyện của mình và được hưởng hạnh phúc.

Cổ tích thần kì có hai nội dung chính: phản ánh những mâu thuẫn trong gia đình và mâu thuẫn xã hội. Những mâu thuẫn đó thường được thể hiện dưới dạng khái quát: đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác.

3. Cổ tích có sức hấp dẫn và tác dụng giáo dục lớn đối với con người, đặc biệt trẻ em, chính là nhờ sự hư cấu và các yếu tố thần kì như Mác-xim Go-rơ-ki đã nói: “Trong các truyện cổ tích, điều trước tiên có tác dụng giáo dục là sự hư cấu - cái khả năng kì diệu của trí óc chúng ta có thể nhìn xa về phía trước hiện tượng!”​​ 

Tấm Cám

Truyện Tấm Cám thuộc loại cổ tích thần kì. Kiểu truyện Tấm Cám phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới.

Đây là truyện cổ tích rất quen thuộc và cũng dễ hiểu đối với các em. Yêu cầu đặt ra khi học truyện này là hiểu được ý nghĩa của những mâu thuẫn, xung đột diễn ra trong truyện, hiểu được đặc trưng của cổ tích thần kì qua nghệ thuật truyện Tấm Cám.

Các em cần đọc chậm một lần toàn bộ truyện để nắm được nhân vật chính (Tấm) đã trải qua những hoạn nạn, thử thách nào và cuối cùng đã được hưởng hạnh phúc ra sao? Truyện đã được hư cấu bằng những yếu tố thần kì nào? Nắm được hai điều này là cơ sở để các em đi vào trả lời từng câu hỏi trong sách giáo khoa.​​ 

1. Phân tích diễn biến của truyện để thấy sự phát triển từ thấp đến cao của mâu thuẫn dẫn đến xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám

(Các em phân tích qua các chi tiết: cái yếm đỏ, con bống, thử giày, cái chết của Tấm, chim vàng anh, cây xoan đào, chiếc khung cửi, quả thị).

Tấm là cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở với người dì ghẻ rất cay nghiệt. Cuộc đời của cô gái hiền lành, nết na ấy đã trải qua biết bao hoạn nạn, thử thách và Tấm đã phải tìm mọi cách để sống, để đấu tranh giành lại hạnh phúc chính đáng cho mình. Cô đã được Bụt giúp đỡ, được các yếu tố thần kì hỗ trợ, nhưng bản thân cô cũng đã tự đấu tranh với các thế lực thù địch để vươn lên giành lại cuộc sống cho​​ mình. Có thể thấy cuộc đời của Tấm trải qua hai giai đoạn từ yếu đuối, thụ động đến kiên quyết đấu tranh giành lại cuộc sống và hạnh phúc như sau:

- Giai đoạn 1:​​ Ở trong nhà dì ghẻ: đây là mâu thuẫn trong gia đình giữa dì ghẻ và con chồng. Mâu thuẫn diễn ra chưa đến mức căng thẳng, quyết liệt, một mất một còn, nhưng đã phản ánh những xung đột tất yếu phải có trong xã hội phong kiến xưa:

Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.

Mâu thuẫn ấy được bộc lộ khá rõ trong các chi tiết có ý nghĩa và có sức gợi cảm sâu sắc: cái yếm đỏ, con cá bống, việc mụ dì ghẻ bắt Tấm nhặt gạo lẫn thóc không cho đi hội... Cái yếm đỏ là vật mơ ước của những cô gái trẻ ở làng quê xưa. Trong truyện này, nó có ý nghĩa như một cái mồi nhử mà mụ dì ghẻ đã đưa ra để “nhử” Tấm, hòng bóc lột sức lao động của đứa con chồng. Rõ ràng là Tấm đã bắt được đầy một giỏ vừa cá vừa tép, nhưng cô không hề được cái yếm đỏ vì đã bị Cám lừa lấy hết. Đến con cá bống thì mâu thuẫn lại phát triển cao hơn và xung đột cũng gay gắt hơn. Ở đây, đối với cô gái mồ côi này, bống không chỉ là con cá mà chính là người bạn tâm tình, niềm an ủi của Tấm trong cuộc sống cô đơn. Vì vậy, hành động rình bắt để giết​​ thịt bống của mẹ con Cám phải hiểu là để giết chết niềm an ủi duy nhất của Tấm. Hình ảnh “một cục máu nổi lên mặt nước” đã tố cáo hành động dã man, vô nhân đạo của mụ dì ghẻ. Nhưng, không dừng lại, mụ còn tiếp tục tìm cách hành hạ Tấm cho bõ ghét bằng cách bắt Tấm nhặt gạo lẫn thóc không cho đi xem hội. Dã tâm của mụ là muốn bóp chết đời sống tình cảm của cô gái thanh xuân, muốn giam hãm Tấm trong “cái nhà tù” của mình, không cho Tấm đến với cuộc sống bên ngoài đầy hương sắc. Nếu biết các cô gái quê náo nức với hội làng như thế nào thì mới cảm thấy hết sự tàn nhẫn, độc ác của mụ dì ghẻ đối với Tấm lúc này. Rõ ràng đây là mâu thuẫn giữa dì ghẻ với con chồng đã thể hiện bằng những xung đột phát triển ngày càng cao trong xã hội phong kiến xưa. Cuộc đấu tranh diễn ra không cân sức: một bên là mụ dì ghẻ xảo quyệt, độc ác, lại thêm con Cám ranh ma, lừa bịp; một bên là Tấm cô đơn một mình, yếu đuối và thụ động. Chính vì vậy mà Bụt phải hiện lên nhiều lần để giúp đỡ​​ Tấm, và một môtíp đã xuất hiện trong phần đầu truyện này: Tấm khóc - Bụt hiện lên với câu hỏi: “Con làm sao lại khóc?” Lực lượng siêu nhiên, thần kì đã xuất hiện để giúp đỡ người đang lâm vào những hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn, đầy thử thách. Thử hỏi, nếu không có Bụt xuất hiện, thì trong những cảnh ngộ như vậy, làm sao Tấm còn đủ sức để sống nổi? Bụt phải xuất hiện để giúp đỡ người nghèo, người tốt - đó là ước mơ của dân gian trong cổ tích để thực hiện triết lí “chính nghĩa thắng gian tà”.

- Giai đoạn 2:​​ Tấm đã ra ngoài xã hội: đây là mâu thuẫn xã hội giữa người áp bức và kẻ bị áp bức. Nếu ở giai đoạn 1, Tấm còn yếu đuối và thụ động thì ở giai đoạn này Tấm đã kiên quyết đấu tranh để giành lại cuộc sống và hạnh phúc cho mình. Vì sao vậy? Mâu thuẫn xã hội ngày càng căng thẳng, quyết liệt đến mức một mất một còn khiến Tấm đã ý thức được thân phận mình và nhận rõ bộ mặt độc ác, nham hiểm của kẻ thù. Cái bản lề chuyển giai đoạn chính là chi tiết thử giày - một môtíp đặc sắc và rất phổ biến trong kiểu truyện này của thế giới - đã đưa Tấm từ địa vị hèn hạ, thấp kém lên địa vị cao sang, hạnh phúc: trở thành hoàng hậu. Điều này đã khiến mụ dì ghẻ căm tức và tìm mọi cách để giết Tấm cho bằng được. Mâu thuẫn đã lên cao đến mức đối kháng, phải tiêu diệt lẫn nhau, không thể hòa hoãn. Mụ dì ghẻ đã quyết tâm giết Tấm thì Tấm phải đấu tranh để giành lại cuộc sống và hạnh phúc cho mình. Dân gian đã sáng tạo ra một cuộc​​ hóa kiếp thần kì như là sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của các thế lực thù địch. Trong chuỗi hóa kiếp liên tiếp này, cùng hiện lên một lúc sự quyết tâm giết Tấm cho kì được của mụ dì ghẻ và sức sống, sức trỗi dậy kì diệu của Tấm:

TẤM

 

Trèo cau hái​​ cau​​ giỗ​​ bố

Tấm chết hóa ra chim vàng anh

Lông chim hóa ra cây xoan đào

Khung cửi tố cáo Cám

Tro mọc thành cây thị có một quả

Tấm trở về với kíp người

MỤ DÌ GHẺ

 

Chặt gốc cau giết Tấm

Bắt chim giết thịt

Chặt cây xoan đào làm khung cửi

Đốt khung cửi đổ tro ra đường

 

 

 

 

Tấm đã hóa kiếp liên tiếp từ con vật đến cái cây, đến khung cửi và cuối cùng trở về với kiếp người của mình. Và Tấm đã chiến thắng, đã giành lại cuộc sống và hạnh phúc cho mình. Đây chính là sức mạnh của thiện thắng ác, là cuộc đấu tranh đến cùng cho cái thiện, bộc lộ rõ mơ ước ngàn đời của dân gian trong cổ tích: chính nghĩa thắng gian tà.​​ 

2. Phân tích từng hình thức biến hóa của Tấm. Quá trình biến hóa của Tấm có ý nghĩa gì?

Có thể thấy quá trình biến hóa của Tấm trong sơ đồ sau đây:

Tấm ngã xuống ao chết –>Chim vàng anh–>Cây xoan đào –>Khung cửi–>Quả thị–>Tấm

KIẾP NGƯỜI–>HÓA KIẾP LIÊN TIẾP THÀNH CON VẬT, CÂY, ĐỒ VẬT–>TRỞ VỀ KIẾP NGƯỜI

Từng hình thức biến hóa của Tấm đều có ý nghĩa:

- Chim vàng anh: nhắc nhở cho Cám biết, hót cho vua nghe, chui vào tay áo vua.

- Cây xoan đào: tỏa bóng mát cho vua mắc võng nằm.​​ 

- Khung cửi: tố cáo, vạch mặt Cám (chú ý tiếng kêu của khung cửi).​​ 

- Quả thị: nơi ẩn thân của Tấm để trở về với kiếp người.

Từng hình thức biến hóa đều mang linh hồn, sức sống của Tấm, quấn quýt với vua và vạch mặt, tố cáo kẻ thù (Cám).

Cả quá trình biến hóa của Tấm đã nói lên sức sống, sức trỗi dậy kì diệu của con người. Đây là sự biến hóa - bất tử của một con người đã ý thức được về mình, nhận rõ bộ mặt kẻ thù nên đã kiên quyết đấu tranh giành lại cuộc sống và hạnh phúc cho mình. Từng hình thức biến hóa đều có vị trí và ý nghĩa riêng của nó, nhưng hình thức biến hóa cuối cùng (thành quả thị) là quan trọng nhất vì chính ở đây, Tấm sẽ trở về với kiếp người trong tư thế chiến thắng để hưởng trọn vẹn hạnh phúc của mình.​​ ​​ Cái hay ở đây không chỉ là ý nghĩa của sự biến hóa mà còn là những hình ảnh biến hóa mang màu sắc thần kì nhưng vẫn hợp với lôgic và tự nhiên. Dân gian đã sáng tạo ra một chuỗi biến hóa liên tiếp của Tấm thật đẹp, vừa giàu chất thơ của cổ tích lại hàm chứa ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt lần biến hóa cuối cùng - hình ảnh cô Tấm dịu hiền, xinh đẹp từ trong quả thị vàng thơm phức bước ra đã thành một ấn tượng không phai mờ trong tâm hồn tuổi thơ Việt Nam từ xưa đến nay.​​ 

3. Bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong truyện

- Trong gia đình:

TẤM

Người con riêng (mồ côi cả cha lẫn mẹ)

 

MẸ CON CÁM​​ 

Dì ghẻ và đứa con riêng của mẹ (Cám)

- Mâu thuẫn và xung đột: giữa dì ghẻ là con chồng

 

- Ngoài xã hội:​​ 

TẤM

Con người bị áp bức

MẸ CON CÁM​​ 

Những con người áp bức kẻ khác

- Mâu thuẫn và xung đột: giữa người áp bức và kẻ bị áp bức.

- Từ mâu thuẫn giữa dì ghẻ là con chồng trong gia đình mà phát triển thành mâu thuẫn giữa người áp bức và kẻ bị áp bức trong xã hội. Đây cũng là một dạng mâu thuẫn thường gặp trong các truyện cổ tích ở nước ta.

II. LUYỆN TẬP

Yêu cầu của bài luyện tập là tìm ra những dẫn chứng trong truyện Tấm Cám để minh họa các đặc trưng của cổ tích thần kì.

Các em thực hiện bài làm theo hai bước sau đây:

- Nêu những đặc trưng của cổ tích thần kì (có hai đặc trưng cơ bản - xem mục 2. trong phần Tiểu dẫn về cổ tích trên đây).

- Tìm các dẫn chứng trong Tấm Cám để minh họa cho các đặc trưng đó.

MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN TỰ SỰ

​​ I. MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN TỰ SỰ​​ 

1. Trong văn tự sự có cần các yếu tố miêu tả và biểu cảm không?

Văn tự sự kể chuyện cuộc sống của con người. Cuộc sống ấy phải có đường nét, màu sắc và âm thanh,... - vì vậy cần phải có yếu tố miêu tả. Cuộc sống ấy là của con người, phải có những tình cảm, rung động, xúc động,... - vì vậy cần phải có yếu tố biểu cảm.​​ 

2. Miêu tả và biểu cảm là hai yếu tố thường có mặt trong các bài văn tự sự. Nhờ những yếu tố đó mà câu chuyện được kể trở nên rõ ràng, dễ cảm nhận và có sức truyền cảm mạnh mẽ hơn.

Chú ý:​​ Đây chỉ là những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự. Nó chỉ góp phần làm cho bài văn tự sự hay hơn chứ không biến bài văn tự sự thành bài văn miêu tả hay bài văn biểu cảm. Có nghĩa là nó vẫn phải có một chuyện kể dưới hình thức tự sự và người viết không được đưa vào bài văn của mình nhiều câu hoặc đoạn văn miêu tả và biểu cảm đến mức nó lấn át hoặc phá vỡ cả cái khung của bài tự sự. Có thể thấy điều đó ở hai văn bản tự sự đã dẫn trong sách giáo khoa:

- Trích Những vì sao của A.Đô-đê (các em tự trả lời ba câu hỏi gợi ý trong sách).

- Trích Về dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam (các em chỉ ra những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn văn tự sự này và cho biết những yếu tố đó đã góp phần làm cho văn bản hay hơn như thế nào, tác giả đã đưa chúng vào bài văn tự sự khéo léo, nhuần nhị ra sao?)

II. QUAN SÁT, LIÊN TƯỞNG, TƯỞNG TƯỢNG ĐỐI VỚI VIỆC MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN TỰ SỰ

1. Trước hết, các em cần hiểu rõ ba khái niệm quan sát, liên tưởng, tưởng tượng bằng việc suy nghĩ để điền đúng các từ đó vào chỗ trống trong các dòng đã cho sẵn của sách giáo khoa:

a) Liên tưởng:​​ Từ sự việc, hiện tượng nào đó mà nghĩ đến sự việc, hiện tượng có liên quan.​​ ​​ 

b) Quan sát:​​ Xem xét để nhìn rõ, biết rõ sự vật hay hiện tượng.

c) Tưởng tượng:​​ Tạo ra trong tâm trí hình ảnh của cái không hề có ở trước mắt, hoặc còn chưa hề gặp.

2. Sau đó, các em suy nghĩ để trả lời câu hỏi 2, và 3. (chú ý các gợi ý) để hiểu rõ hơn vai trò của quan sát, liên tưởng, tưởng tượng đối với việc miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự. (Đọc kĩ để tìm dẫn chứng minh họa trong bài văn tự sự của A. Đô-đê).

Từ đó, có thể rút ra kết luận: Muốn miêu tả và biểu cảm thành công, người làm văn tự sự cần phải:

- Quan tâm tới con người, tới cuộc sống ở xung quanh và tới bản thân mình, để có thể tìm được những chất liệu cho miêu tả và biểu cảm.

- Luôn chú ý quan sát, liên tưởng, tưởng tượng, suy ngẫm, cảm xúc trước đời sống, và chăm chú lắng nghe những lay động mà sự vật, sự việc khách quan gieo vào trong tâm trí của mình.

​​ III. LUYỆN TẬP

1. Nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả là yếu tố biểu cảm trong hai đoạn văn.

a) Chọn đoạn văn kể lại cuộc chiến đấu giữa Đăm Săn và Mtao Mxây trong sử thi Đăm Săn (trích đoạn Chiến thắng Mtao Mxây).

Thực hiện bài tập này qua hai bước:

- Đọc lại trích đoạn nói trên để tìm ra những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn văn tự sự này.

+ Chú ý các chi tiết miêu tả ngoại hình, quần áo, vũ khí... của Đăm Săn và Mtao Mxây, các hành động của hai nhân vật, đặc biệt là cảnh hai người múa khiên và cảnh Đăm Săn đuổi đánh và đâm chết Mtao Mxây.

+ Chú ý các chi tiết biểu cảm qua việc biểu hiện tâm trạng hai nhân vật (bằng ngôn ngữ và hành động), đặc biệt qua tâm trạng của Đăm Săn khi đến nhà Mtao Mxây để đánh kẻ thù; qua tâm trạng của tôi tớ Đăm Săn và tôi tớ Mtao Mxây.

- Phân tích để thấy rằng những yếu tố miêu tả và biểu cảm đó đã góp phần làm cho câu chuyện kể thêm rõ ràng, sinh động, hấp dẫn người nghe, đặc biệt đã tôn cao vẻ đẹp của người anh hùng sử thi là Đăm Săn trong trích đoạn này.

b) Đoạn văn trích từ truyện ngắn Lẵng quả thông của nhà văn C. Pau-tốp-xki.

Cũng thực hiện bài tập này qua hai bước:

- Tìm ra những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn văn: em bé có đôi bím tóc nhỏ xíu; trời đang thu và một màu vàng tuyệt đẹp trải ra trên khắp núi rừng.

- Nhận xét: Bím tóc nhỏ xíu của em bé là nhờ quan sát mà có, nó gợi lên vẻ đẹp xinh xắn, đáng yêu của em bé (vừa là yếu tố miêu tả, vừa có giá trị gợi cảm). Màu vàng của mùa thu vừa đẹp (miêu tả) lại vừa thơ​​ mộng, đáng yêu (biểu cảm) vì tác giả vừa có con mắt quan sát tinh tế, lại có sự liên tưởng thật đẹp giữa màu vàng của lá cây với màu vàng của những chiếc lá được tạo ra từ đồng và vàng). Những yếu tố miêu tả và biểu cảm ở đây đã làm cho đoạn văn tự sự sinh động và hấp dẫn.

2. Viết một bài văn tự sự có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm theo yêu cầu đã ghi trong sách giáo khoa.

Các em có thể chọn một trong hai câu chuyện đã nêu để viết thành bài văn tự sự của mình. Trước khi viết, cần xác định rõ nội dung câu chuyện; từ nội dung đó, định ra các yếu tố miêu tả và biểu cảm sẽ sử dụng; vận dụng quan sát, liên tưởng và tưởng tượng để tạo ra được những hình ảnh, chi tiết vừa cụ thể, sinh động lại gây được những rung động thẩm mĩ trong lòng người đọc (các chi tiết đó phải nhuần nhị, tự nhiên trong bài văn tự sự). Có thể học tập cách viết trong ba đoạn văn của A. Đô-đê, C. Pau-tốp-xki và Thạch Lam để viết bài văn tự sự về câu chuyện của mình.

Bài trướcSoạn Văn Bài 6: Ra-Ma Buộc Tội
Bài tiếp theoSoạn Văn Bài 8: Tam Đại Con Gà-Nhưng Nó Phải Bằng Hai Mày

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây