Soạn Văn Bài 9: Ca Dao Than Thân-Yêu Thương Tình Nghĩa

0
488

Soạn văn bài 9: ca dao than thân-yêu thương tình nghĩa; Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết Ngữ văn 10. Các bạn xem để cũng cố và ôn tập một cách hiệu quả.

BÀI 9 . Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa . Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

CA DAO THAN THÂN, YÊU THƯƠNG, TÌNH NGHĨA

CA DAO

Ca dao thuộc loại hình trữ tình của văn học dân gian, diễn tả đời • sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ gia

đình, lứa đôi, quê hương, đất nước và trong các mối quan hệ xã hội khác. Đó là những tiếng hát than thân, những lời ca yêu thương, tình nghĩa, những bài ca hài hước... của người bình dân Việt Nam sau lũy tre xanh, bên giếng nước, gốc đa, sân đình,

Ca dao kết tinh nghệ thuật ngôn từ của nhân dân, mang những đặc trưng riêng khác với thơ của văn học viết. Ca dao thường ngắn gọn, ngôn ngữ thơ gần gũi với lời nói hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh ẩn dụ, biểu tượng truyền thống và đặc biệt là hình thức lặp lại, lối diễn đạt bằng một số công thức in đậm sắc thái dân gian.

Ca dao được nhân dân yêu chuộng, được các nhà thơ lớn đánh giá cao về tính chân thực, hồn nhiên, cô đúc, về sức gợi cảm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi ca dao là “những hòn ngọc quý”.​​ 

CHÙM CA DAO TRỮ TÌNH​​ 

I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI​​ 

1. Đọc:

Chùm ca dao trữ tình gồm 6 bài, tiêu biểu cho nhiều mặt của đời sống tình cảm của người bình dân Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa. Các em cần tập đọc diễn cảm các bài ca dao này:

- Đọc các bài ca than thân với giọng xót xa, thông cảm.

- Đọc các bài ca yêu thương, tình nghĩa với giọng tha thiết, lắng sâu.

2. Tìm hiểu, cảm nhận các bài ca dao

Câu 1 Tiếng hát than thân (bài 1, 2)

Cảm nhận về hai bài ca dao than thân này, cần tìm hiểu nét chung của hai bài ca dao và sắc thái tình cảm riêng của từng bài.

- Nét chung: Ca dao than thân thường đề cập đến một loại người khổ nhất trong xã hội cũ: đó là người phụ nữ (mô thức mở đầu Thân em như... được lặp lại, vừa phiếm chỉ lại mang ý nghĩa xác định). Khổ vì thân phận của họ bị phụ thuộc, giá trị của họ không được​​ ai biết đến (hình ảnh so sánh ẩn dụ và câu miêu tả bổ sung hình ảnh so sánh đã nói lên một cách thấm thía nỗi khổ đó):

+ Tấm lụa đào phất phơ giữa chợ biết vào tay ai? + Củ ấu gai ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen... - Sắc thái tình cảm riêng:

+ Bài 1:​​ Vẻ đẹp phơi phới tuổi xuân của người phụ nữ cũng chỉ là một món hàng để mua bán giữa chợ. Nỗi đau xót nhất chính là ở chỗ khi người con gái bước vào cái tuổi đẹp nhất, hạnh phúc nhất của đời mình thì nỗi lo về thân phận lại ập đến ngay với họ. Nỗi đau và nỗi lo đó được bộc lộ qua sự đối lập giữa hai dòng thơ: Thân em như tấm lụa đào (đẹp, hạnh phúc)//|Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai? (đau xót, lo lắng).

+Bài 2:​​ Sự tự ý thức rõ hơn, và ở đây được nhấn mạnh đến giá trị thực của người con gái: Ruột trong thì trắng / vỏ ngoài thì đen. Họ phải bộc bạch kĩ và mời mọc da diết (Ai ơi, nếm thử mà xem - Nếm ra​​ mới biết rằng em ngọt bùi) vì giá trị của họ không được ai biết đến. Và đó chính là nỗi ngậm ngùi chua xót cho thân phận người con gái trong xã hội cũ. Cảm hứng này đã được Hồ Xuân Hương nói đến trong bài Bánh trôi nước (“Thân em vừa trắng lại vừa tròn, Bảy nổi ba chìm với nước non...”).

Những bài ca dao trên đây, không chỉ nói lên thân phận bị phụ thuộc của người phụ nữ, mà còn là tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất của họ.

Câu 2 (bài 3)

Bài ca dao không mở đầu bằng Thân em như... mà bằng Trèo lên cây khế nửa ngày... (dùng lối đưa đẩy, gợi cảm hứng từ một sự việc bên ngoài). Lối mở đầu này cũng đã thành môtíp trong ca dao: Trèo lên cây bưởi hái hoa..., Trèo lên cây gạo cao cao... thường được dùng trong trường hợp người con trai thất tình, lỡ duyên. Nhân vật trữ tình trong bài ca này là một chàng trai như vậy. Mặc dầu duyên kiếp không thành nhưng tình nghĩa con người thì trước sau vẫn không thay đổi. Người bình dân đã lấy hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ là cái to lớn, vĩnh hằng để nói lên tình nghĩa con người bền vững, thủy chung. Tình nghĩa đó được ví như mặt trời, mặt trăng, sao từ xưa đến nay vẫn thế. Như nỗi lòng chàng trai đối với người yêu:

Mình ơi, có nhớ ta chăng

Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.​​ 

Đây là sự đợi chờ trong vô vọng được gửi vào một hình ảnh so sánh ẩn dụ của thiên nhiên. Sao Vượt (từ cổ của sao Hôm) mọc rất sớm từ lúc chiều hôm và khi lên đến đỉnh bầu trời (lúc đã khuya) thì trăng mới mọc. Vậy mà vẫn đợi chờ thì đấy mới là nghĩa tình bền vững, tình yêu thủy chung của con người. Duyên kiếp có thể, và đã dở dang không thành (“Ai làm chua xót lòng này, thế ơi !”), nhưng tình yêu thì mãi mãi vẫn còn, không thể đổi thay. Hình ảnh sao Vượt chờ trăng giữa trời có cái mỏi mòn của sự chờ đợi, cái cô đơn của sự ngóng trông, nhưng chính vì thế, nó mới cao đẹp.

Câu 3

Nỗi niềm của cô gái đối với người yêu đọng lại trong một tấm khăn thương nhớ (bài 4). | Thương nhớ vốn là một tình cảm khó hình dung - nhất là thương nhớ người yêu, nhưng ở bài ca dao này lại được diễn tả một cách thật​​ cụ thể, tinh tế và gợi cảm. Đó là cách nói bằng hình ảnh, biểu tượng mà ca dao rất hay dùng để diễn tả những điều trừu tượng. Ở đây, nỗi niềm thương nhớ của cô gái đối với người yêu đã được biểu hiện một cách cụ thể, sinh động bằng các biểu tượng khăn, đèn, mắt - đặc biệt là hình ảnh chiếc khăn như một mô​​ típ nghệ thuật trong ca dao trữ tình của người bình dân Việt Nam.

Khăn, đèn chính là cô gái (đã được nhân hóa), còn mắt là phép hoán dụ (dùng một bộ phận để chỉ toàn thể) để nói lên nhân vật trữ tình. Cô gái hỏi khăn, hỏi đèn, hỏi mắt chính là cô tự hỏi lòng mình. Và hẳn là nhớ thương phải bồn chồn lắm thì cô mới hỏi dồn dập đến vậy.

- Cải khăn được nói đến đầu tiên và được hỏi nhiều nhất trong 6 dòng thơ (tức nửa bài ca). Đó là vật trao duyên, vật kỉ niệm gợi nhớ người yêu, lại luôn luôn quấn quýt bên mình người con gái như cùng chia sẻ với họ trong niềm thương nhớ. Nó mang màu sắc nữ tính. Nó chính là người con gái. Hãy đọc lại 6 câu thơ và lắng nghe trong đó:

Khăn thương nhớ​​ ai​​ 

Khăn​​ rơi​​ xuống​​ đất

​​ Khăn thương nhớ ai

​​ Khăn​​ vắt​​ lên​​ vai

​​ Khăn thương nhớ​​ ai

Khăn​​ chùi​​ nước​​ mắt.​​ 

Có phải đàng sau chiếc khăn là một con người đang thương nhớ bồn chồn không nguôi? Thương nhớ đến không làm chủ được mình, đứng ngồi không yên, ra ngẩn vào ngơ, như đứng đống lửa, như ngồi đống than thì mới có cái cảnh khăn rơi, khăn bắt... như vậy. Sáu câu thơ được cấu trúc theo lối vắt dòng lấy lại 6 lần từ “khăn” ở vị trí đầu câu và lấy lại 3 lần “khăn thương nhớ ai” như một điệp khúc, cùng với cách gieo vần (cả vần chân và vần lưng) tạo nên những láy âm trong thể văn bốn (ai và ắt) đã bộc lộ rõ nỗi niềm thương nhớ của cô gái. Đó là nỗi nhớ có không gian (khăn rơi xuống đất, khăn vắt lên vai, khăn chùi nước mắt).

- Đến ngọn đèn, nỗi nhớ còn được đo theo thời gian: nhớ từ ngày sang đêm, từ “tấm khăn” đến “ngọn đèn”. Đèn thương nhớ ai, Mà đèn không tắt - hay chính cô gái đang trằn trọc thâu đêm trong nỗi nhớ​​ thương đằng đẵng với thời gian? “Cái khăn” biết giãi bày, thì “ngọn đèn” cũng biết thổ lộ, nó đã nói với ta nhiều điều không có trong lời ca...

- Cuối cùng là đôi mắt của chính cô gái. “Cái khăn”, “ngọn đèn” gợi nhiều liên tưởng nhưng chỉ là cách nói gián tiếp theo lối biểu tượng, nhân hóa. Đến đây, như không kìm lòng được nữa, cô gái đã hỏi trực tiếp chính mình: Mắt thương nhớ ai, Mắt ngủ không yên. Ở trên “đèn không tắt” thì ở đây “mắt ngủ không yên”: hình tượng thật là hợp lí, nhất quán, và đôi mắt không ngủ ấy xoáy vào lòng ta một niềm khắc khoải khôn nguôi...

- Những câu hỏi không có câu trả lời liên tiếp cất lên như nén chặt nỗi thương nhớ trong lòng, để rồi cuối cùng trào ra bằng một niềm lo âu mênh mông cho hạnh phúc lứa đôi của mình:

Đêm qua em những lo phiên

Lo vì một nỗi không yên một bề... Trong cuộc sống của người phụ nữ xưa, một nỗi lo như thế là hoàn toàn có thể có.

Câu 4​​ 

Cái cầu - dải yếm trong ca dao tình yêu (bài 5)

Bài ca dao là lời ước muốn của cô gái, cũng là lời cô thầm nói với người yêu của mình. Cô đã thổ lộ ước muốn đó trong một ý tưởng táo bạo bằng một hình ảnh độc đáo:

Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.​​ 

Ước muốn đã độc đáo, tạo ra cái cầu để thực hiện ước muốn đó lại càng độc đáo hơn. Ở đây, con sông không thực mà cái cầu lại càng ảo. Có con sông ấy thì mới có cái cầu ấy. Song, cái hay của bài ca dao lại chính là ở những cái không thực ấy và tình ý mà chúng gợi lên. Và đó mới là ước muốn táo bạo, tình yêu mãnh liệt, là nghệ thuật của ca dao.

Cái cầu - dải yếm đích thực là cái cầu tình yêu trong ca dao. Mà lại là cái cầu của người con gái chủ động bắc cho người mình yêu trong sự ràng buộc, tỏa chiết của lễ giáo phong kiến thời xưa. Nó táo bạo, mãnh liệt nhưng đằm thắm, đầy nữ tính bởi nó là cái dải yếm, cái vật cụ thể mềm mại luôn luôn quấn quýt bên thân hình người con gái: nó chính là người con gái! Cái cầu - dải yếm đã được tạo nên bằng chính máu thịt, cuộc đời, trái tim rạo rực yêu đương của những người con gái làng quê.

Họ muốn dùng cái vật thân thiết, gần gũi nhất của mình để bắc cầu mời mọc người mình yêu. Trong cái phi lí lại có cái có lí. Dải yếm nhỏ và mềm làm sao bắc thành cầu được, nhưng tình yêu của người con gái đã khiến nó trở nên bền vững để có thể bắc thành cái cầu tình cho “chàng sang chơi”. Trong hệ thống môtíp cái cầu của ca dao (xem phần giải bài tập ở dưới), nó là cái cầu tình yêu độc đáo và đẹp nhất, và chỉ có tư duy nghệ thuật dân gian thì mới sáng tạo ra được một cái cầu như thế.

Câu 5

Tình nghĩa thủy chung của người bình dân trong ca dao (bài 6)

Ca dao có nhiều biểu tượng nói lên tình nghĩa thủy chung của con người. Nếu thuyền - bến, trúc - mai là của những đôi lứa đang yêu thì gừng cay - muối mặn lại dành cho những cặp vợ chồng, bởi vợ chồng đã từng chung sống với nhau thì mới trải qua những ngày gừng cay - muối mặn, mới thấm thía nghĩa tình thủy chung. Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay, muối mặn (Nguyễn Khoa Điềm - Đất Nước). Nghĩa tình ấy bền vững như:

Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay.​​ 

Và hương vị của gừng - muối đã thành hương vị của tình người:

Đôi ta nghĩa nặng tình dày

Có xa nhau đi nữa cũng ba bạn sáu ngàn ngày mới xa.

Ở câu lục, nghĩa được nói trước (nghĩa nặng) rồi mới đến tình (tình dày) cho thấy nhân dân ta chú trọng đến nghĩa nhiều hơn. Đường mòn ân nghĩa không mòn (tục ngữ). Còn câu hát được kéo dài thành 13 tiếng đã khẳng định mạnh mẽ cái đạo lí đó của nhân dân ta. Chú ý: Ba bạn sáu ngàn ngày mới xa có nghĩa là không bao giờ xa cách cả vì đó chính là một trăm năm, chỉ một đời người.

Câu 6

Những biện pháp nghệ thuật mà ca dao thường sử dụng:​​ 

- Sự lặp lại mô thức mở đầu bài ca:​​ Thân em như..

- Các mô​​ típ đã thành biểu tượng trong ca dao: Cái cầu, bến nước, con thuyền, tấm khăn, ngọn đèn, gừng cay - muối mặn,...

- Hình ảnh so sánh ẩn dụ lấy từ trong cuộc sống đời thường:​​ tấm lụa đào..., củ ấu gai...

- Thời gian và không gian nghệ thuật có sức gợi cảm (bài 4).

- Thể thơ lục bát; lục bát biến thể; thể vãn bốn; song thất lục bát (biến thể).

Những biện pháp nghệ thuật trên đây là những nét riêng in đậm sắc màu dân gian khác với nghệ thuật thơ của văn học viết vì ca dao là tiếng nói của cộng đồng chứ không phải tiếng nói của cá thể nghệ sĩ như thơ của văn học viết.

II. LUYỆN TẬP

Bài tập 1:​​ Gợi ý một số câu ca dao có mô thức mở đầu Thân em như..., các em tìm thêm cho đủ 5 câu:

- Thân em như hạt mưa rào​​ 

Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa.​​ 

-Thân em như miếng cau khô​​ 

Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày.

-Thân em như cá ở trong lờ

Hết phương cùng vẫy không biết nhờ nơi đâu.​​ 

Bài tập 2:​​ 

a) Ca dao về nỗi nhớ người yêu:

- Nhớ ai bổi hổi bồi hồi​​ 

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.

- Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?​​ 

b) Ca dao về cái khăn:

- Gửi khăn, gửi áo, gửi lời​​ 

Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa.

- Nhớ khi khăn mở trầu trao

Miệng chỉ cười nụ biết bao nhiêu tình.​​ 

c) Bài ca dao​​ Khăn thương nhớ ai​​ vừa nằm trong hệ thống các bài ca dao nói trên, lại vừa có một vị trí riêng: nó cụ thể, sinh động hơn và cũng tổng hợp, trọn vẹn hơn. Có thể xem đây là bài ca dao hoàn chỉnh và hay nhất về nỗi nhớ của cô gái Việt ngày xưa. Nỗi nhớ của cô gái đã thành một nét đẹp trong tâm hồn của dân tộc: “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” (Nguyễn Khoa Điềm)​​ 

Bài tập (bổ sung)

Ngoài cái cầu - dải yếm, trong hệ thống môtíp cái cầu của ca dao còn có những cái cầu nào khác, mang những sắc thái ý nghĩa khác nhau như thế nào? Gợi ý:

- Hai ta cách một con sông​​ 

Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.

- Cách nhau có một con đầm​​ 

Muốn sang anh bẻ cành trầm cho sang.

Cành trầm lá dọc lá ngang​​ 

Đố người bên ấy bước sang cành trầm.

- Gần đây mà chẳng sang chơi​​ 

Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.

Sợ rằng chàng chả đi cầu

Cho tốn công thợ, cho sâu lòng em.​​ 

Các em đọc kĩ để phân biệt sắc thái ý nghĩa của chiếc cầu cành hồng, cành trầm và ngon mồng tơi.

ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÔN NGỮ NÓI​​ VÀ NGÔN NGỮ VIẾT​​ 

I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

Thuở ban đầu, loài người trao đổi ý nghĩ, tình cảm với nhau bằng ngôn ngữ nói. Sau này, khi phát minh ra chữ viết, người ta dùng chữ viết bên cạnh tiếng nói để thông tin với nhau: đó là ngôn ngữ tiết. Chữ viết ra đời đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử văn minh nhân loại, và từ đó hình thành hai dạng: ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.​​ 

1. Đặc điểm của ngôn ngữ nói

- Là ngôn ngữ âm thanh, dùng trong giao tiếp tự nhiên hằng ngày, người nói và người nghe tiếp xúc trực tiếp với nhau, có thể thay phiên nhau trong vai nói và vai nghe. Người nói ít có điều kiện lựa chọn, gọt giũa các phương tiện ngôn ngữ, người nghe ít có điều kiện suy ngẫm, phân tích.

- Đa dạng về đường nét ngữ điệu. Ngữ điệu là yếu tố quan trọng để bộc lộ và bổ sung thông tin. Ngôn ngữ nói còn có sự phối hợp giữa âm thanh, giọng điệu với các phương tiện bổ trợ như nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,... của người nói.

- Từ ngữ được sử dụng khá đa dạng: những lớp từ mang tính khẩu ngữ, những từ ngữ địa phương, tiếng lóng, biệt ngữ, các trợ từ, thán từ, các từ ngữ đưa đẩy, (SGK,..) Thường dùng các hình thức tỉnh lược (nhất là trong đối thoại), nhưng nhiều khi câu nói lại rườm rà, nhiều yếu tố dư thừa, trùng lặp. (Cần phân biệt nói và đọc (thành tiếng) một văn bản).​​ 2. Đặc điểm của ngôn ngữ viết

- Được thể hiện bằng chữ viết trong văn bản và được tiếp nhận bằng thị giác. Người viết có điều kiện suy ngẫm, lựa chọn, gọt giũa; người đọc có điều kiện đọc lại, phân tích, nghiền ngẫm để lĩnh hội thấu đáo. Được ghi chép bằng chữ trong văn bản, ngôn ngữ viết đến được với đông đảo người đọc trong phạm vi không gian rộng lớn và thời gian lâu dài.

- Ngôn ngữ viết được sự hỗ trợ của hệ thống dấu câu, của các kí hiệu văn tự, của các hình ảnh minh họa, các bảng biểu, sơ đồ,

- Trong ngôn ngữ viết, từ ngữ được lựa chọn, thay thế nên có điều kiện đạt được tính chính xác, phù hợp với từng phong cách. Ngôn ngữ viết tránh dùng các từ mang tính khẩu ngữ, các từ ngữ địa phương, các tiếng lóng, tiếng tục,... Về câu, ngôn ngữ viết thường sử dụng những câu dài, nhiều thành phần nhưng được tổ chức mạch lạc, chặt chẽ.

Chú ý:

- Ngôn ngữ nói được ghi lại bằng chữ viết trong văn bản. Ví dụ: văn bản truyện có lời nói của các nhân vật, bài báo ghi lại cuộc phỏng vấn hoặc cuộc tọa đàm,...

- Ngôn ngữ viết trong văn bản được trình bày lại bằng lời nói miệng. Ví dụ: thuyết trình trước hội nghị bằng một báo cáo viết sẵn, nói trước công chúng theo một văn bản,...

- Ngoài hai trường hợp trên, cần tránh sự lẫn lộn giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói: tránh dùng những yếu tố đặc thù của ngôn ngữ nói trong ngôn ngữ viết và ngược lại.​​ Cuối cùng, các em đọc kĩ và học thuộc phần Ghi nhớ trong SGK để nắm vững bài học.

II. THỰC HÀNH - LUYỆN TẬP​​ 

1. Phân tích đặc điểm của ngôn ngữ viết thể hiện trong đoạn trích của Phạm Văn Đồng.

Gợi ý:

- Hệ thống thuật ngữ dùng chính xác, có sự lựa chọn và thay thế | từ ngữ (uốn chữ thay cho từ vựng, phép tắc thay cho ngữ pháp),...

- Câu viết rõ ràng, trong sáng: tách dòng khi trình bày từng ý, - dùng các từ chỉ thứ tự (một là, hai là, ba là).

- Các dấu câu được dùng chính xác, đúng chỗ, giúp câu văn rõ nghĩa và trong sáng, dễ hiểu.

2. Phân tích đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn văn của Kim Lân.

Gợi ý:

- Đây là ngôn ngữ nói đã được nhà văn đưa vào văn bản truyện. Ngôn ngữ ở đây là ngôn ngữ của người nông dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ: sinh động, mang tính khẩu ngữ rất rõ.

- Chú ý các từ xưng hô: anh ấy, nhà tôi, đằng ấy,..; các từ miêu tả cử chỉ, điệu bộ: đẩy vai, cười như nắc nẻ, cong cớn, ton ton chạy lại, liếc mắt cười tít,...

- Cách nói tỉnh lược: hai câu đối thoại cuối của Tràng và người đàn bà.​​ 

3. Phân tích lỗi và sửa lại các câu (cho sẵn) cho phù hợp với ngôn ngữ viết.

Gợi ý:

​​ - Ba câu cho sẵn trong SGK có những yếu tố của ngôn ngữ nói

chưa trau chuốt, dùng khẩu ngữ, diễn đạt không trong sáng, có câu còn lôi thôi, rườm rà, khó hiểu như câu c,...).​​ 

- Các em tự chữa các câu này cho phù hợp với ngôn ngữ viết bằng cách lựa chọn và thay thế từ mang tính khẩu ngữ; viết lại câu văn cho gọn và trau chuốt hơn; tránh dùng những từ lặp không cần thiết như Từ “thì” ở câu c; các từ “thì” ở hai câu a và câu b nên bỏ; những chữ hết ý”, “còn như”, “khai vống”, “vô tội vạ”, “ai sát” cần lựa chọn và hay thế bằng những chữ khác trong sáng và phù hợp hơn với ngôn ngữ viết.

 

Bài trướcSoạn Văn Bài 8: Tam Đại Con Gà-Nhưng Nó Phải Bằng Hai Mày
Bài tiếp theoSoạn Văn Bài 10 Ca Dao Hài Hước-Luyện Tập Viết Đoạn Văn Tự Sự

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây