Đề Thi HK 2 Môn Ngữ Văn Lớp 12- Đề 2

0
605

Đề Thi HK 2 Môn Ngữ Văn Lớp 12- Đề 2

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU: (4 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu ngôi nhà có bếp lửa ấm áp của mình không? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại như yêu một người máu thịt của mình không? Chúng ta từng nói đến việc làm sao trở thành những công dân toàn cầu. Danh từ công dân toàn cầu rất dễ làm cho những ại đó lầm tưởng về một siêu nhăn trong những khía cạnh nào đấy. Nhưng bản chất duy nhất của một công dân toàn cầu là một người biết yêu thương thế gian này và luôn tìm cách cải biến thế gian. Có thể sẽ có những công dân kêu lên đầy bất lực: Ta chỉ là một sinh linh bé nhỏ làm sao ta có thể yêu thương và che chở cả thế gian rộng lớn nhường kia! Việc yêu thương và che chở cho cả thế gian có phải là một ước mơ hay một nhân cách hão huyền không? Không. Đó là một hiện thực và đó là một nguyên lí. Khi một con người yêu thương chân thực mảnh đất con người đó đang đứng dù chỉ vừa hai bàn chân thì người đó đã yêu cả trái đất này. Khi bạn yêu một cái cây bên cạnh bạn thì bạn yêu mọi cái cây trên thế gian. Khi bạn yêu thương một con người bên cạnh thì bạn yêu cả nhân loại. Và khi tất cả những con người dù bé nhỏ đến đâu yêu thương người bên cạnh thì tình thương yêu ấy sẽ ngập tràn thế gian này.

Tình yêu thương nhân loại sẽ ngay lập tức trở nên hão huyền vă mang thói đạo đức giả khi chúng ta nói đến tình yêu thương đó mà không bao giờ chúng ta yêu thương nổi một người bên cạnh. Và thói đạo đức giả đang lan rộng trên thế gian chúng ta đang sống.

Hãy cứu thế gian này khỏi những hận thù, những ích kỉ, những vô cảm và giá lạnh bằng những hành động cụ thể của mỗi con người đang sống trên thế gian này. Đấy là tiếng kêu khẩn thiết, đầy tình thương yêu và trách nhiệm của biết bao con người đang sống trên thế gian này.

(Trích Cần một ngày hoà giải để yêu thương, dẫn theo http:// www.tuanvietnam.net,

ngày 7/ 9/ 2010)

Câu 1: Theo tác giả đoạn trích, phẩm chất cốt lõi của một “công dân toàn cầu” là gì?

Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của một phép tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 3: Tác giả sử dụng thao tác lập luận nào khi bàn về “bản chất duy nhất của công dân toàn cầu”?

Câu 4: Theo anh/ chị, thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì để trở thành “công dân toàn cầu”? Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của mình.

II. PHẦN LÀM VĂN: (6 điểm)

Nhận xét về nhân vật Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, có ý kiến cho rằng: Tnú là con người trung thực, gan dạ, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với cách mạng. Ý kiến khác lại khẳng định: Tnú là con người có  trái tim chan chứa tình yêu thương và sục sôi căm thù. Từ cảm nhận về hình tượng nhân vật Tnú, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

– Hết –

ĐÁP ÁN

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU: ( 4 điểm )

Câu 1: Theo tác giả đoạn trích, phẩm chất cốt lõi của một “công dân toàn cầu” là gì?      (0. 5 đ)

  • Theo tác giả đoạn trích, phẩm chất cốt lõi của một “công dân toàn cầu” là biết yêu thương và luôn tìm cách cải biến thế gian này.

Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của một phép tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên 

(1. 0 đ)

Thí sinh cần chỉ ra và nêu tác dụng của một trong các phép tu từ sau:

– Phép so sánh: Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu ngôi nhà có bếp lửa ấm áp của mình không? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại như yêu một người máu thịt của mình không?

Tác dụng: Khiến cho câu văn giàu cảm xúc, gợi hình gợi cảm,  tạo gần gũi  thân mật khi đề cập đến một vấn đề thoạt nghe rất cao siêu: tình yêu thế gian yêu nhân loại.

– Phép điệp cấu trúc câu: Có bao giờ…. Khi bạn yêu …

Tác dụng: Liên kết và nhấn mạnh  nghĩa  tác dụng của tình yêu thương tạo  nên giọng điệu nghị luận đầy nhiệt huyết.

– Sử dụng câu hỏi tu từ: Có bao giờ….?

Tác dụng: tác động mạnh mẽ đến tình cảm và lý trí của người đọc, góp phần làm nổi bật vấn đề, tăng sức thuyết phục cho lập luận .

Câu 3: Tác giả sử dụng thao tác lập luận nào khi bàn về “bản chất duy nhất của công dân toàn cầu”?

Bàn về “bản chất duy nhất của công dân toàn cầu”, người viết  sử dụng thao  tác lập luận bác bỏ: từ việc nêu ý kiến cho rằng yêu thương nhân loại là  một ước mơ hay nhân cách hão huyền, rằng mỗi người chỉ là một sinh linh nhỏ bé làm sao có thể  yêu thương và che chở cho  thế giới rộng lớn sau đó  đưa ra lập luận để lật lại vấn đề. Điều này khiến cho lập luận trở nên thuyết phục, sắc bén, hấp dẫn.(0. 5 đ)

Câu 4: Theo anh/ chị, thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì để trở thành “công dân toàn cầu”? Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của mình. (2. 0 đ)

* Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Viết đúng một đoạn văn khoảng 200 chữ; Trình bày rõ ràng, mạch lạc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp; Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.(0. 25đ)

* Xác định vấn đề cần nghị luận: Những việc thế hệ trẻ Việt Nam cần làm để trở thành công dân toàn cầu. (0. 25đ)

* Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù  hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. (1. 0đ)

Có thể theo hướng sau:

– Giải thích: “công dân toàn cầu” là gì?

+ Công dân toàn cầu là những người sống, làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, có thể có một hoặc nhiều quốc tịch. Công dân toàn cầu là công dân có kiến thức nền tảng về các vấn đề văn hóa nhân loại  có  thể  giao lưu học tập  làm việc tại  bất cứ quốc gia nào,  có thể hòa nhập với công dân trên toàn thế giới, có năng lực giải quyết những vấn đề chung của nhân loại như : bảo vệ môi trường, chống chiến tranh, đẩy lùi dịch bệnh …

+ Công dân toàn cầu là người coi những vấn đề của nhân loại là vấn đề của dân tộc mình, của cá nhân mình và biết suy nghĩ hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn…

– Bàn luận:

* Tại sao lại cần thiết trở thành công dân toàn cầu?

– Do quá trình toàn cầu hóa trên thế giới. Toàn cầu hóa là điều kiện vô cùng thuận lợi để mỗi công dân trở thành những công dân toàn cầu. Khi mà các rào cản biên giới được phá bỏ, hàng hóa, tiền tệ, thông tin, lao động… được thông thoáng, sự phân công mang tính quốc tế thì không còn trở ngại gì để mọi công dân trở thành những công dân toàn cầu. Sự bùng nổ, phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật làm cho cả Thế giới này nhỏ lại, “phẳng ra”, nó đã mở ra không biết bao nhiêu cơ hội cho con người, internet như là chìa khóa mở ra thế giới, vào kho báu tri thức của nhân loại.

* Để trở thành “công dân toàn cầu” con người cần phải làm gì?

– Cần xây dựng nền tảng tri thức phổ thông cơ bản, vững chắc; có ý thức cố gắng trong học tập, trau dồi kiến thức cho bản thân, những kiến thức của quốc gia dân tộc và cả những kiến thức trên thế giới, những xu hướng của toàn cầu. Bên cạnh việc tiếp thu, học hỏi kiến thức thì giới trẻ nhất thiết cần có những trải nghiệm trong cuộc sống để hình thành nên những kỹ năng sống. Hình thành tư duy toàn cầu, ý thức toàn cầu, ý thức dân tộc sao cho đúng đắn.

– Cần có  những hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới; có những kĩ năng thiết yếu như kĩ năng giải quyết vấn đề kĩ năng giao tiếp kĩ năng làm việc nhóm; kĩ năng thực hành, sáng tạo… trong đó năng lực ngoại ngữ, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông là cực kì quan trọng. Ngoài ra, cần phải bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức mang tính cốt lõi: lòng tự trọng, tự  tôn, tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm…

– Bài học nhận thức: 

+ “Công dân toàn cầu” có thể hòa nhập vào thế giới phẳng nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc của mình. Đây là một thách thức lớn đối với giới trẻ trong xu hướng hội nhập thế giới; Phê phán những người vì hiểu chưa đúng về khái niệm “công dân toàn cầu” nên đánh mất bản sắc dân tộc coi thường những giá trị văn hóa  truyền thống của cha ông.

+ Công dân toàn cầu là ước mơ của người Việt trẻ cũng như mọi công dân trên thế giới này. Trở thành công dân toàn cầu là phù hợp với xu thế chung của thế giới. Phấn đấu để thực hiện mong muốn đó bằng những hành động, việc làm thiết thực.

  1. PHẦN LÀM VĂN: (6 điểm)

Học sinh có thể có nhiều cách làm bài khác nhau nhưng cần đảm bảo được những  yêu  cầu  sau:

  1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
  2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Từ cảm nhận về hình tượng nhân vật Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, học sinh bình luận những ý kiến trong đề bài.
  3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận

* Yêu cầu cụ thể:

Nhận xét về nhân vật Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, có ý kiến cho rằng: Tnú là con người trung thực, gan dạ, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với cách mạng. Ý kiến khác lại khẳng định: Tnú là con người có  trái tim chan chứa tình yêu thương và sục sôi căm thù.

* Từ cảm nhận về hình tượng nhân vật Tnú, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

  1. Vài nét về tác giả, tác phẩm:

– Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó mật thiết với Tây Nguyên. Chính tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc mảnh đất này đã giúp nhà văn sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật đặc sắc.

– Truyện ngắn Rừng xà nu được viết vào mùa hè năm 1965 khi đế quốc Mĩ bắt đầu ào ạt đổ quân vào miền Nam nước ta. Tnú là nhân vật trung tâm kết tinh vẻ đẹp của đan làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguyên kiên cường, bất khuất.

  1. Giải thích ý kiến:

– Tnú là nhân vật kết tinh được những phẩm chất tiêu biểu nhất của con người Tây Nguyên thời chống Mĩ: vừa bất khuất, kiên trung, trọn đời gắn bó với cách mạng “trung thực, gan dạ, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với cách mạng” vừa thủy chung, trong sáng, giàu tình nghĩa “chan chứa tình yêu thương”.

– Đây là hai nhận xét khái quát về các khía cạnh khác nhau tạo nên vẻ đẹp ở nhân vật – một người anh hùng lí tưởng trong thời đại cách mạng.

  1. Cảm nhận về hình tượng nhân vật Tnú và bình luận về các ý kiến:
  2. Cảm nhận về hình tượng nhân vật Tnú:

Hình tượng nhân vật Tnú được  nhà văn khắc họa bằng hồi tưởng của mình và bằng lời kể giọng trầm bên bếp lửa của cụ Mết theo lối kể Khan “chuyện đời người được kể trong một đêm”, ca ngợi phẩm chất anh hùng của người anh hùng bộ tộc. Nhờ lối trần thuật ấy Tnú hiện lên với sự kết tinh vẻ đẹp của 1 con người ưu tú của buôn làng có những nét tính cách độc đáo giàu chất sử thi.

Qua lời kể của cụ Mết: Tnú là người Strá, mò côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên trong vòng tay của dân làng Xô Man “Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Cuộc đời và số phận Tnú được dân làng Xô Man truyền tụng như 1 thiên niên lịch sử truyền thống của dân làng – giống như 1 truyền thuyết về người anh hùng.

* Tnú là con người trung thực, gan dạ, dũng cảm, trung thành tuyệt đối với cách mạng:

– Ngay từ nhỏ, Tnú bất chấp sự khủng bố gắt gao của kẻ thù (dù giặc treo cổ anh Xút, chặt đầu bà Nhan) nhưng Tnú vẫn hăng hái vào rừng tiếp tế cho cán bộ. Học chữ thua Mai, Tnú tự lấy đá đập vào đầu mình. Làm liên lạc, vì sự an toàn của cách mạng, Tnú “xé rừng mà đi”, “lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cỡi lên thác băng băng như một con cá kình”.

– Khi bị giặc bắt, Tnú vẫn kiên cường chịu đựng, không chịu khai nơi giấu cộng sản của dân làng. Gặp đau thương mất mát: vợ con bị giết, bản thân bị giặc tra tấn dã man nhưng Tnú vẫn không chịu khuất phục trước kẻ thù.

– Sau khi vượt ngục, với đôi bàn tay tật nguyền, Tnú đã tham gia lực lượng giải phóng quân để chiến đấu trả thù nhà, nợ nước. Chính từ thực tế chiến đấu, Tnú đã vươn lên, nhận thức sâu sắc kẻ thù của cá nhân mình và kẻ thù chung của cả dân tộc.

* Tnú là con người chan chứa tình yêu thương:

– Tnú gắn bó với làng Xô Man: Người Strá đã nuôi Tnú khôn lớn. Xa làng đi chiến đấu, anh nhớ làng da diết. Sau 3 năm đi chiến đấu trở về làng anh vẫn nhớ rõ từng hàng cây, từng con đường, từng dòng suối, lòng anh hồi hộp xúc động khi nghe tiếng chày chuyên cần của người đàn bà Strá, của mẹ anh ngày xưa của Mai, của Dít; “ngực anh đập liên hồi, chân đi cứ vấp ngã”.

– Tnú yêu thương vợ con tha thiết, anh sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ, che chở cho vợ con. Chứng kiến cảnh giặc đánh đập vợ con một cách dã man, anh đã xông vào giữa bầy lang sói để cứu họ với hai bàn tay không.

* Tnú, con người căm thù giặc sâu sắc và quyết tâm đánh giặc trả thù:

– Càng đau thương, Tnú càng căm thù giặc. Vợ con anh bị giết hại, lòng căm hận đã biến đôi mắt anh “như 2 cục than đỏ, tay bóp nát trái vả lúc nào không biết”.

– Khi bị bắt 10 đầu ngón tay bị đốt cháy “anh không kêu lên một tiếng nào…răng anh đa cắn nát môi anh rồi”. Mười ngón tay lành lặn là bàn tay tình nghĩa; bây giờ khi 10 đầu ngón tay bị đốt cụt sẽ là bàn tay kiên cường trấn áp tiêu diệt kẻ thù. 10 ngón tay bị đốt cụt sẽ là 10 ngọn đuốc sáng dẫn đường cho dân làng Xô Man tiến lên quật khởi.

– Yêu thương, căm hận sẽ biến thành hành động. Tnú thét lên xé lòng khiến anh và đồng bào anh dứt khoát đứng lên tiêu diệt kẻ thù. Chính từ thực tế chiến đấu, Tnú đã vươn lên, nhận thức sâu sắc kẻ thù của cá nhân mình và kẻ thù chung của cả dân tộc.

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật Tnú được xây dựng với cảm hứng ngợi ca, tự hào, giọng văn trang trọng, hùng tráng, say mê, đậm chất sử thi.

  1. Bình luận về các ý kiến: Hai ý kiến nhận xét về nhân vật Tnú đều chính xác. Mỗi ý kiến đề cập đến một khía cạnh của nhân vật, tuy khác nhau nhưng lại có mối liên hệ mật thiết, bổ sung cho nhau để cùng khẳng định vẻ đẹp lí tưởng của hình tượng. Nhân vật Tnú là một bước tiến mới trong sự nhận thức và biểu hiện những phẩm chất của một người anh hùng lí tưởng. Cuộc đời bi tráng của Tnú là sự minh chứng cho chân lí của thời đại đánh Mĩ: “Chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo”.
  2. Đánh giá: Xây dựng thành công nhân vật Tnú, nhà văn đã khắc họa được hình ảnh tiêu biểu của con người mang đậm dòng máu, tính cách của người dân Tây Nguyên. Qua hình tượng này, tác giả còn gợi ra số phân và phẩm chất của cả cộng đồng trong cuộc chiến đấu bảo vệ buôn làng. Nguyễn Trung Thành đã giúp người đọc thêm hiểu và thêm trân trọng con người Tây Nguyên với biết bao phẩm chất thật đẹp, thật cao quý.

Lưu ý :

Hv có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25)

– Bài làm trình bày sạch đẹp, chữ viết rõ rang, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25

 

Bài trướcĐề Thi HK 2 Môn Văn Lớp 12- Đề 1
Bài tiếp theoĐề Thi HK 2 Ngữ Văn 12- Đề 3

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây