Soạn Văn 10 Bài 13 Tỏ lòng-Cảnh ngày hè-Tóm tắt văn bản tự sự

0
560

Soạn Văn 10 Bài 13 Tỏ lòng-Cảnh ngày hè -Tóm tắt văn bản tự sự. Các bạn xem để soạn bài và cũng cố kiến thức một cách hiệu quả.

BÀI 13 .​​ 

Tỏ lòng​​ -​​ Cảnh ngày hè -​​ Tóm tắt văn bản tự sự .​​ 

TỎ LÒNG (Thuật hoài)

PHẠM NGŨ LÃO​​ 

I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

• Đây là bài thơ Đường luật tứ tuyệt viết bằng chữ Hán. Để thâm nhập, tìm hiểu tác phẩm, các em cần:

1. Đọc văn bản:

- Đọc to bản phiên âm để cảm nhận âm hưởng hùng tráng và giọng điệu tâm huyết của bài thơ.

- Đọc kĩ bản dịch nghĩa để hiểu đúng nội dung tác phẩm.

- Đọc bản dịch thơ, so sánh với bản dịch nghĩa xem đã sát đúng chưa (cần chú ý so sánh hai câu thơ đầu).

2. Đọc kĩ hai chú thích, đặc biệt là chú thích ở câu thơ thứ hai ("tam quân" và "khí thôn ngưu").

3. Cũng cần xem lại Tiểu dẫn để hiểu tác giả Phạm Ngũ Lão là một con người như thế nào, từ đó có thể hiểu sâu hơn "nỗi lòng" mà ông đã bày tỏ trong bài thơ.

• Sau đây là một số gợi ý để trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài:​​ 

1. So sánh câu thơ đầu trong nguyên tác chữ Hán với câu thơ dịch để cảm nhận vẻ đẹp của con người trong câu thơ.​​ 

Hai chữ múa giáo trong lời dịch chưa thể hiện được vẻ đẹp của hai từ hoành sóc của nguyên tác: Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu. Câu thơ dựng lên hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo (hoành sóc) mà trấn giữ đất nước. Cây giáo ấy như phải đo bằng chiều ngang của non sông, và con người cầm ngọn giáo ấy hiện lên với một vẻ hiên ngang, hùng tráng, nổi bật trên bối cảnh của không gian và thời gian. Ở đây, không gian mở ra theo chiều rộng của non sông giang sơn), còn thời gian trải dài theo năm tháng (cáp kỉ thu) càng làm cho hình ảnh con người thêm hào hùng, đẹp đẽ.​​ 

2. Cách hiểu và cách cảm nhận về sức mạnh của quân đội nhà Trần trong câu thơ thứ hai.

- Hình ảnh ba quân là hình ảnh nói về quân đội nhà Trần, tượng trưng cho sức mạnh của dân tộc. Nghệ thuật so sánh vừa cụ thể hóa sức mạnh vật chất của ba quân vừa hướng tới sự khái quát hóa sức mạnh tinh thần của đội quân mạng "hào khí Đông A": Ba quân khí thế mạnh như hổ báo nuốt trôi trâu. Đó cũng chính là sức mạnh của dân tộc ta trong các cuộc chiến thắng Nguyên​​ Mông đời Trần. Câu thơ có sự kết hợp giữa hình ảnh khách quan và cảm nhận chủ quan, giữa hiện thực và lãng mạn đã gây ấn tượng mạnh trong người đọc. (Còn có cách hiểu thứ hai về câu thơ như trong gợi ý của SGK nhưng nói chung thường nghiêng về cách hiểu trên đây).​​ 

3. Cách hiểu "nợ công danh" trong câu thơ thứ ba.​​ 

- SGK nêu lên hai nghĩa của "nợ công danh". Cần phối hợp cả hai nghĩa đó để hiểu ý nghĩa của câu thơ này. Câu thơ nói lên cái chí của tác giả (cũng là của người anh hùng).​​ Chí ở đây là làm trai mang tinh thần, tư tưởng tích cực của Nho giáo: lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm). Lập công danh đã trở thành lý tưởng của trang nam nhi thời phong kiến. Vì vậy công danh được coi là món nợ đời phải trả của kẻ làm trai. Trả xong nợ công danh có nghĩa đã hoàn thành nghĩa vụ với đời, với dân, với nước. Trong hoàn cảnh lịch sử, xã hội lúc đó, chí làm trai có nội dung tích cực và có tác dụng to lớn.​​ 

4. Ý nghĩa của nỗi “thẹn” trong câu thơ cuối.

Luống then tai nghe chuyện Vũ hầu. Chưa trả xong nợ công danh mà nghe chuyện Vũ hầu xưa thì luống thẹn thùng. Đó là "nỗi thẹn" của một con người có nhân cách cao cả. Đó cũng là cái tâm rất đẹp mà tác giả đã bày tỏ trong bài thơ.​​ 

5. Vẻ đẹp của trang nam nhi thời Trần trong bài thơ và ý nghĩa của nó đối với thế hệ trẻ hôm nay​​ 

​​ Đây là câu hỏi tổng hợp cuối bài. Từ bốn câu trên, các em có thể tự giải đáp câu hỏi này theo suy nghĩ của mình.

II. LUYỆN TẬP​​ 

Bài tập bổ sung

Phân tích ý nghĩa, giá trị nhân cách của nỗi “thẹn” trong bài thơ. Gợi ý:

Yêu cầu cần đạt là phân tích làm rõ ý nghĩa, giá trị nhân cách của nỗi "thẹn" trong bài thơ. Dưới đây là một số gợi ý:

- Đây là vẻ đẹp cái tâm của người anh hùng thể hiện qua nỗi "thẹn" của tác giả trong bài thơ.

- Xưa nay, những người có nhân cách vẫn thường mang trong mình nỗi thẹn. Thử tìm hiểu xem vì sao khi nghe chuyện Vũ hầu, Phạm Ngũ Lão lại thẹn? (trong hệ thống ý tưởng của cả bài thơ).

- Nỗi thẹn đó không làm con người thấp bé đi, trái lại càng nâng cao nhân cách của con người. (Liên hệ với nỗi thẹn của Nguyễn Khuyến khi nghĩ tới Đào Tiềm trong bài thơ Thu vịnh).

CẢNH NGÀY HÈ (Bảo kính cảnh giới - bài 43)

NGUYỄN TRÃI​​ 

I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

​​ 1. Đọc Tiểu dẫn để biết xuất xứ của bài thơ (Chú ý: Đây là thơ​​ Nôm của Nguyễn Trãi).​​ 

​​ 2. Đọc bài thơ với giọng điệu vui, thanh thản. Chú ý ngắt nhịp đúng câu thơ sáu chữ (theo nhịp 3 - 3) và một số câu bảy chữ theo nhịp 3-4:

Thạch lựu hiên /​​ còn phun thức đỏ

Hồng liên trì / đã tiễn mùi hương.​​ 

3. Xem kĩ chú thích để hiểu đúng nội dung bài thơ (chú ý các điển tích và các từ cổ).

• Sau đây là một số gợi ý để trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài:

Trước khi đi vào từng câu hỏi, cần nhận rõ thời gian và thời điểm của cảnh trong bài thơ:​​ 

- Thời gian vào cuối mùa hè: Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

(Hoa sen tàn đã hết hương thơm).​​ 

- Thời điểm vào cuối ngày: (...) tịch dương: lúc mặt trời sắp lặn.

1. Tìm những động từ diễn tả trạng thái của cảnh.​​ 

​​ ​​ Động từ "đùn đùn", "giương" trong câu thơ:

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương. - Động từ "phun" trong câu thơ:

Thạch lựu hiện còn phun thức đỏ. Cảnh vật đang ở vào cuối mùa, cuối ngày, nhưng sự sống thì không dừng lại. Có một cái gì thôi thúc từ bên trong, đang ứa căng, đang tràn đầy, không kìm lại được, phải đùn đùn, phải giương lên, phải phun ra, hết lớp này đến lớp khác, khiến cho cảnh vật sinh động, đầy sức sống.​​ 

2. Phân tích rõ sự hài hòa của cảnh trong bức tranh thơ này

- Sự hài hòa giữa âm thanh và màu sắc: màu lục của lá hòe làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu, tiếng ve inh ỏi trong ánh mặt trời buổi chiều hòa cùng tiếng lao xao của chợ cá cuối ngày...

- Sự hài hòa giữa cảnh vật và con người: người rỗi rãi hóng mát trước cảnh ngày hè tươi đẹp, chợ cá lao xao và những ngư phủ làng chài, ve kêu như tiếng đàn quanh lầu lúc mặt trời sắp lặn...​​ 

3. Nhà thơ đã cảm nhận cảnh vật bằng những giác quan nào? tấm lòng của ông đối với thiên nhiên ra sao ?​​ 

- Nhà thơ đã cảm nhận cảnh vật bằng nhiều giác quan: thị giác (màu sắc), thính xác (âm thanh),​​ ​​ khứu giác (mùi hương)​​ và có sự liên tưởng (nghe tiếng ve kêu như một khúc đàn của thiên nhiên).

- Sự giao cảm mạnh mẽ nhưng tinh tế của nhà thơ đối với cảnh vật cho thấy ông là một hồn thơ yêu thiên nhiên tha thiết, say đắm, đã vẽ nên bức tranh Cảnh ngày hè sinh động, có hồn. ​​ 

4. Tìm hiểu vẻ đẹp tâm hồn (bức tranh tâm trạng) của nhà thơ trong hai câu thơ cuối.

- Không chỉ yêu thiên nhiên, Nguyễn Trãi còn là một con người yêu đời, yêu cuộc sống, một tấm lòng ưu ái với dân, với nước. Điều này được bộc lộ rõ rệt và sâu sắc trong hai câu thơ cuối:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

​​ Ông ước có được chiếc đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong mong cho "dân giàu đủ khắp đòi phương". Câu kết của bài thơ cô đúc​​ trong sáu chữ, thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài. Điểm kết tụ của hồn thơ Nguyễn Trãi không phải ở thiên nhiên, tạo vật mà chính là ở con người, ở người dân. Ông mong cho dân giàu đủ nhưng đó phải là hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi nơi: khắp đòi phương.​​ 

5. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ

Là cả ba điều như SGK đã gợi ý, nhưng nên hiểu theo lôgíc tâm trạng của thi nhân: trước cảnh ngày hè tươi đẹp, ông yêu thiên nhiên tha thiết, từ đó mà yêu đời, yêu cuộc sống và có khát vọng về cuộc sống thái bình, hạnh phúc cho nhân dân. Nhân dân vẫn là cội nguồn cho cảm hứng thơ Nguyễn Trãi và làm nên vẻ đẹp tâm hồn của thơ ông.​​ 

II. LUYỆN TẬP

Gợi ý bài 1:

Yêu cầu cần đạt là nêu rõ vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ.

- Vẻ đẹp của thiên nhiên: bức tranh ngày hè hài hòa màu sắc, âm thanh, đầy sức sống, quen thuộc gần gũi mà đẹp.

- Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi: yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng canh cánh bên lòng nỗi niềm ưu ái đối với dân, với nước.

 

TÓM TẮT VĂN BẢN TỰ SỰ

 

I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

Nắm được cách tóm tắt văn bản dựa theo nhân vật chính để vận dụng vào bài làm.​​ 

1. Mục đích, yêu cầu tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính

Ở trung học cơ sở, các em đã học cách tóm tắt văn bản tự sự theo nội dung câu chuyện, tức là theo cốt truyện. Lên lớp 10, có một yêu cầu mới cao hơn: tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính. Hai cách tóm tắt này không đối lập nhau nhưng vẫn có những chỗ khác nhau (do yêu cầu, mục đích khác nhau) cần chú ý.

Tác phẩm tự sự có cốt truyện và nhân vật, trong đó có nhân vật chính và nhân vật phụ. Nhân vật chính gắn liền với một số sự việc cơ bản của cốt truyện và có mối quan hệ với các nhân vật khác trong truyện. Vì vậy, tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính về cơ bản cũng là tóm tắt theo cốt truyện. Chỗ khác nhau là ở những điểm sau đây:

- Tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính là viết hoặc kể lại một cách ngắn gọn những sự việc cơ bản xảy ra với nhân vật đó. Như vậy, những sự việc (và những nhân vật) không liên quan đến nhân vật chính thì không cần phải kể lại trong bản tóm tắt này. Có nghĩa là, khi viết bản tóm tắt phải hướng đến, tập trung vào nhân vật chính để kể lại câu chuyện.

- Việc tóm tắt này giúp ta nắm vững tính cách và số phận của nhân vật, từ đó có thể tìm hiểu và đánh giá tác phẩm (nhân vật chính thường bộc lộ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm).

​​ Tóm lại, bản tóm tắt phải trung thành với văn bản gốc, nêu được đặc điểm và những sự việc xảy ra với nhân vật chính.​​ 

2. Cách tóm tắt văn bản tự sự dựa theo nhân vật chính

Các em đọc Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy và thực hiện những yêu cầu trong SGK.

a) Xác định những nhân vật chính của truyện.

Gợi ý: Các nhân vật cụ già báo tin cho vua, Rùa Vàng, Triệu Đà là nhân vật phụ; còn lại ba nhân vật An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy. Các em trao đổi, xác định nhân vật nào là nhân vật chính ?

Theo nội dung diễn biến của truyện, căn cứ vào vai trò và hành động của từng nhân vật để tạo nên chủ đề của tác phẩm, ta thấy cả ba nhân vật đều là nhân vật chính (mỗi nhân vật đều có một ý nghĩa riêng góp phần bộc lộ chủ đề của truyện).​​ 

b) Tìm hiểu và tóm tắt truyện dựa theo nhân vật An Dương Vương.

Gợi ý:​​ 

- Lai lịch của nhân vật: vị vua mở ra thời đại ​​ Âu​​ ​​ Lạc ở nước ta.

​​ - Hành động, việc làm của nhân vật trong diễn biến của cốt truyện:​​ 

+ Xây thành, chế nỏ để giữ nước.

+ Chủ quan để mất thành, mất nước (chi tiết “điềm

nhiên đánh cờ” và câu nói về Triệu Đà).​​ 

+ Chạy về phương Nam, chém con gái.

+ Theo Rùa Vàng rẽ nước đi xuống biển.​​ 

- Quan hệ giữa An Dương Vương với các nhân vật khác trong truyện:

+ Với Rùa Vàng (lúc xây thành và lúc cùng đường mất​​ nước).​​ 

+ Với Triệu Đà (mắc mưu Triệu Đà mà không biết).​​ 

+ Với Mị Châu (yêu quý nhưng vẫn tuốt kiếm chém khi​​ Rùa Vàng kết tội Mị Châu).​​ 

+ Với Trọng Thủy (không nghi ngờ, cho Trọng Thủy ở rể​​ tại ​​ Â​​ Lạc - “nuôi ong tay áo”).​​ 

- Từ ba điều tìm hiểu trên đây, các em viết văn bản tóm tắt bằng lời văn của mình. Như vậy, các chi tiết về buổi chia tay giữa Mị Châu - Trọng Thủy và đoạn cuối truyện (sau khi An Dương Vương đi xuống biển) không cần phải tóm tắt vì chúng không liên quan đến nhân vật An Dương Vương.

c) Tìm hiểu và tóm tắt truyện dựa theo nhân vật Mị Châu.​​ 

Các em dựa vào cách làm ở mục 6 trên đây về nhân vật An​​ Dương Vương để tóm tắt truyện dựa theo nhân vật Mị Châu.

d) Cho biết cách thức tóm tắt tác phẩm tự sự dựa theo nhân vật chính:

- Đọc kĩ văn bản gốc, chọn được các sự việc cơ bản xảy ra với nhân vật chính và diễn biến của các sự việc đó;

- Tóm tắt rõ các hành động, lời nói, tâm trạng của nhân vật theo diễn biến của cốt truyện (một vài chỗ có thể kết hợp dẫn nguyên văn từ ngữ, câu văn trong văn bản gốc).​​ 

II. LUYỆN TẬP

​​ 1. Gợi ý:

a) Xác định phần tóm tắt văn bản Chuyện người con gái Nam Xương trong đoạn trích (2): từ “Chàng Trương đi đánh giặc ....... không kịp nữa”.

- Mục đích tóm tắt:

+ Đoạn (1): ghi lại toàn bộ câu chuyện để giúp người đọc​​ hiểu, nhớ văn bản. Đây là tóm tắt cốt truyện.​​ 

+ Đoạn (2): tóm tắt câu chuyện dùng làm dẫn chứng để​​ làm sáng tỏ một ý kiến trong bài nghị luận.​​ 

b) Cách tóm tắt:

+ Đoạn (1): tóm tắt đầy đủ câu chuyện theo diễn biến

của cốt truyện.​​ 

+ Đoạn (2): chỉ lựa chọn một số sự việc, chi tiết tiêu biểu​​ phục vụ cho việc làm sáng tỏ ý kiến trong bài nghị luận của mình. Cách tóm tắt rất cô đúc, gọn, rõ và nổi​​ bật được các nội dung cần thiết.​​ 

2. Cách làm giống như tóm tắt truyện dựa theo các nhân vật An Dương Vương và Mị Châu trên đây

3. Gợi ý:

Để tóm tắt truyện Tấm Cám dựa theo nhân vật Tấm, cần tiến hành theo các bước:

- Đọc lại truyện để nắm được nhân vật Tấm.

- Xác định các sự việc, hành động của nhân vật trong diễn biến cốt truyện để tóm tắt.

- Xác định mối quan hệ của Tấm với mẹ con Cám, với Bụt, vua, bà lão hàng nước.

- Từ những điều trên, viết bản tóm tắt bằng lời văn của mình.

Bài trướcTrắc Nghiệm Đường Thẳng Song Song Với Mặt Phẳng Có Đáp Án Và lời Giải
Bài tiếp theoSoạn Văn 10 Bài 14 Nhàn-Đọc Tiểu Thanh Kí -Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây